Ngày 15/6, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết nhãn, vải là loại quả quen thuộc mùa hè song có tính nóng, không nên ăn nhiều.
Quả nhãn vị ngọt tính ấm, vừa làm rượu, chữa mất ngủ, bí tiểu, ợ chua, suy nhược. Tuy nhiên, nhãn nhiều đường và năng lượng. 100 g nhãn tươi chứa 48 kcal và nhiều chất dinh dưỡng, ăn quá nhiều dễ khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, dễ nổi mụn và mẩn ngứa. Người mắc bệnh tiểu đường khi ăn nhiều có nguy cơ tăng đường huyết đột ngột.
Trong Đông y, nhãn có mùi thơm vị ngọt, tính ôn nhiệt, dưỡng huyết an thần nhưng không tốt với người bị bệnh nóng trong, nhất là phụ nữ có thai lại càng phải kiêng. Khi mang thai, cơ địa người phụ nữ dễ nóng, tăng nhiệt, táo bón, miệng đắng, họng rát. Nếu ăn nhiều nhãn, mẹ bầu dễ bị động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai. Trong những tháng đầu thai kỳ càng phải kiêng ăn nhãn.
Người bệnh tăng huyết áp, béo phì nên hạn chế. Trẻ em nên cẩn thận khi ăn tránh hóc.
Nhãn ngọt nhưng tính nóng, không nên ăn nhiều. Ảnh: TheoDnb stories
Quả vải có nhiều nước, glucose, protein, chất béo, vitamin C song rất ngọt, quá ngọt, nóng. Ăn quá nhiều quả vải dễ bị bệnh viêm nhiệt như ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ. Ăn nhiều vải cũng gây "bốc hỏa", mệt mỏi.
Trong 100 g vải chứa tới 15,2 g đường, ăn nhiều làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose. Cùi trái vải có chứa rất nhiều đường glucoze, không tốt cho quá trình chuyển hóa của gan, khiến đường huyết tăng nhanh. Người mắc bệnh tiểu đường ăn nhiều vải dễ bị choáng váng, ra nhiều mồ hôi lạnh, buồn nôn.
Trẻ em thích ăn vải do vị ngọt thanh, nhưng cần kiểm soát để không bị thừa cân, rôm sẩy. Chỉ nên ăn khoảng 5 đến 6 quả trong một lần.
Người mắc bệnh tự miễn dịch, thủy đậu không nên ăn. Phụ nữ mang thai nên ăn điều độ, hạn chế loại quả ngọt, gây khó sinh, tăng nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng sau sinh.
Lương y khuyến cáo vào mùa hè, bạn nên lựa chọn các loại quả nhiều nước, thanh mát để giải nhiệt mùa hè. Ví dụ đu đủ có hơn 90% nước, giàu vitamin cải thiện tình trạng da khô, mất nước, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn và đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Dưa hấu giàu vitamin và khoáng chất, vị ngọt, giúp giải khát, chữa say nắng, hạ khí, lợi tiểu tiện, giải say rượu. Loại quả này được sử dụng để trị liệu các chứng như mụn nhọt, viêm loét miệng, phù thũng do viêm thận, đái tháo đường, cao huyết áp, say nắng. Nước dừa chứa nhiều dưỡng chất cần cho cơ thể, nhiều vitamin nhóm B và chất khoáng, kali giúp giải nhiệt, đẹp da, cân bằng điện giải.
Cam, chanh, bưởi, quýt có tính mát, hàm lượng nước cao và giàu vitamin C giúp giảm cảm giác khát và tăng cường khả năng miễn dịch. Bạn có thể ăn trực tiếp hoặc ép, làm sinh tố để giải nhiệt trong mùa hè. Hạn chế uống nhiều đá hay uống nước quá lạnh.