Chương trình được triển khai trên quy mô toàn thành phố từ năm 2021 đến năm 2030.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch này ngành y tế mong muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em cũng như nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ.
Ngành y tế cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em phải đạt được giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống còn 11,8% ( đến năm 2030 là 11,3%) và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống còn 7,3% (đến năm 2030 là 6,8%); giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500g) xuống còn 4% (đến 2030 là 3,5%) ; khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì xuống dưới 10% ở nội thành và 5% ở ngoại thành (đến năm 2030 dưới 10% ở nội thành và dưới 5% ở ngoại thành).
Mục tiêu nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ, đến năm 2025 tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho con bú sớm ngay 01 giờ đầu sau sinh lên 80% (năm 2030 là 85% ); tăng tỷ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 25% (năm 2030 là 30%); tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho con bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 60% (năm 2030 là 70%); tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 70% (năm 2030 là 80%).
Ngành y tế sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu về thể chế, chính sách và chỉ đạo điều hành; thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời; về chuyên môn kỹ thuật cũng như theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình.