Bé Sophia Spencer, 8 tuổi, thường bị bạn ở trường chế giễu vì niềm đam mê ‘kỳ quặc’ với côn trùng. Nhưng vượt qua tất cả, em đã đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình khi đứng tên bài viết đăng trên một tạp chí khoa học uy tín.
Năm 2 tuổi, Sophia được dẫn đến Công viên nuôi bướm trong lồng kính Niagara ở vùng Niagara (Canada) để tham quan. Chuyến đi đó đã khơi dậy niềm đam mê côn trùng của cô bé, theo The Huffington Post.
Thời gian trôi qua, niềm yêu thích đó ngày càng lớn lên. Sophia cùng mẹ tra Google để tìm kiếm thông tin về các loại côn trùng. Cô bé đặc biệt thích tìm kiếm các loại côn trùng ngoài tự nhiên.
“Nếu Sophia tìm được một con côn trùng, cô bé sẽ tìm hiểu tên của nó và hôn nó. Cô bé cũng sẽ tìm hiểu tất tần tật thông tin về chế độ ăn và môi trường sống của con côn trùng”, bà Nicole Spencer, mẹ của bé Sophia, kể lại.
Niềm đam mê côn trùng của Sophia khiến em bị bạn bè chế giễu. Bà Spencer lo sợ những danh từ mà bạn bè gọi Sophia là “kỳ quặc” hay “quái lạ” sẽ khiến cô bé từ bỏ niềm đam mê của mình. Do đó, bà đã quyết định giúp con bằng cách liên lạc với Hiệp hội côn trùng Canada.
Trong thư, bà chia sẻ câu chuyện của con và mong muốn các chuyên gia côn trùng có thể gọi điện để nói chuyện hoặc viết thư động viên con gái.
Vào tháng 8.2016, Hiệp hội côn trùng Canada đã phản hồi thư và tạo hashtag #BugsR4Girls trên mạng xã hội. Hashtag kèm theo thông điệp là “một cô bé yêu côn trùng đang bị bắt nạt và cần sự giúp đỡ của chúng ta”.
Đáp lại, các nhà côn trùng học ở Canada và nhiều nơi trên thế giới đã gửi thông tin về côn trùng và nhiều lời động viên dành cho Sophia. Thậm chí, Sophia còn được nghiên cứu sinh tiến sĩ Morgan Jackson mời cùng tham gia viết một bài báo được đăng trên tạp chí của Hiệp hội côn trùng Mỹ.
Jackson cũng là tình nguyện viên truyền thông xã hội của Hiệp hội côn trùng Canada. Chính anh là người đã giúp tạo ra hashtag #BugsR4Girls.