Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm tới nay, thành phố đã ghi nhận 114 trường hợp mắc bệnh sởi tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc sởi xuất hiện ở 20 quận, huyện trên địa bàn, chủ yếu tập trung vào những đối tượng chưa tiêm phòng bệnh sởi hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Madagascar, quốc đảo ở Đông Phi, theo thống kê của Bộ Y tế nước này, từ tháng 10/2018 đến nay, đã có hơn 50.000 người mắc bệnh sởi, trong đó 300 trường hợp tử vong, chủ yếu là trẻ em.Hay tại Ukraine, trong tháng 1/2019, nước này cũng ghi nhận hơn 8.400 ca mắc sởi. Đây cũng là một con số rất đáng báo động.
Theo các chuyên gia, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước. Điều này sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vaccine sởi thông thường.Mặt khác, thời tiết diễn biến thất thường, nhất là ở các nước nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh sởi. Do đó, nếu không có sức khỏe tốt và khả năng phòng ngừa dịch, nguy cơ lây bệnh sởi là rất cao.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh sởi
- Theo các bác sĩ, trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày. Các triệu chứng điển hình như: Sốt cao > 39°C; chảy nước mũi, nước mắt, ho khan kéo dài, khàn tiếng, sưng mí mắt. Sau đó, xuất hiện các nốt ban đỏ vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.
- Các nốt ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân. Khi hết sốt và các nốt ban “bay” dần nghĩa là bệnh đã gần khỏi.
- Trong thời gian phát bệnh, cần đặc biệt chú ý, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục >39 độ, kèm theo khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, chán ăn, li bì, mắt lờ đờ hoặc phát ban toàn thân mà vẫn sốt cao… thì cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh sởi
- Thường xuyên rửa mặt, lau miệng và vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ.
- Nhỏ nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt, mũi được bác sĩ chỉ định để vệ sinh mũi, mắt cho trẻ hàng ngày.
- Cho trẻ nằm ở phòng thoáng, tránh gió lùa và phải cách ly với những trẻ khác.
- Đeo khẩu trang khi trò chuyện, tiếp xúc với trẻ.
- Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả sẽ cung cấp năng lượng giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ. Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy hải sản có vỏ.
- Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú sữa mẹ nhiều hơn.
Làm gì để phòng ngừa bệnh sởi?
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi. Do đó, khi đến độ tuổi tiêm sởi, bố mẹ cần đưa con em mình đến cơ sở y tế để tiêm vaccine. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng.
Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, để phòng ngừa lây lan bệnh sởi, bố mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi; đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi tập trung đông người.
Ngoài ra, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, lau dọn nhà cửa, bàn ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường để tránh vi khuẩn lây lan gây bệnh.