Tay Chân Miệng là bệnh do vi-rút, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rãi rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011 tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong. Từ năm 2012 đến giữa năm
2018, bệnh tay chân miệng trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú.
Bệnh tay chân miệng đang lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhóm trẻ nhỏ
Tuy nhiên, đến tháng 7 và tháng 8, bệnh nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ, nửa cuối tháng 9 và tuần đầu của tháng 10 bệnh bắt đầu tăng vọt tại nhiều tỉnh thành, điểm nóng của bệnh đang tập trung ở TPHCM với mức tăng hơn 130% so với tuần cùng kỳ năm 2017. Dịch bệnh tăng nhanh, tỷ lệ bệnh tại TPHCM chiếm khoảng 40% số trẻ trẻ bệnh nặng chuyển đến từ các tỉnh chiếm khoảng 60% khiến các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố rơi vào quá tải.
BS Hữu Khanh xót xa nhìn bệnh nhi mắc tay chân miệng ở phòng bệnh nặng
Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy: “Tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 - chủng vi rút và chủng C4 loại vi rút gây vụ dịch năm 2011.
Muốn trẻ có miễn dịch thì cơ thể phải thấy loại vi rút gây bệnh, nhưng trong vòng 7 năm qua Ev71 không xuất hiện nhiều nên trẻ không được tiếp xúc, không tạo được miễn dịch. Do đó, những bé sinh sau năm 2013 gần như không có chút miễn dịch nào với Ev71 và C4 nên chỉ cần có một tác nhân gây bệnh xuất hiện sẽ mang đến nguy cơ lây bệnh cho cả cộng đồng”.
Cùng lúc có sự xuất hiện trở lại của 2 chủng vi rút nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng
Sau đợt dịch năm 2011, việc phòng chống bệnh tay chân miệng đã trở thành nhiệm vụ thường trực của ngành y tế TPHCM. Trước tình hình dịch bệnh quay trở lại, Sở Y tế thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc điều trị tại bệnh viện, truyền thông, điều tra dịch tễ và kiểm soát lây nhiễm tại cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp liên ngành y tế - giáo dục nhằm kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, với trọng tâm là bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Bệnh viện nhi đang trong tình trạng quá tải trong mùa dịch bệnh
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. BS Hữu Khanh cho rằng, nếu chủ đông được các giải pháp phòng ngừa bệnh sẽ chững lại vào nửa cuối tháng 10 và giảm dần cho đến cuối năm. Tuy nhiên, nếu chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, lây lan nhanh trong cộng đồng cho đến khi lây bệnh cho tất cả trẻ nhỏ thì tay chân miệng mới dừng lại.
Cộng đồng cần chủ động các giải pháp phòng bệnh, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ
Việc phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Khoảng 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.