Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc tay chân miệng của cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Đáng lưu ý là trong các tuần trở lại đây một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, số ca mắc bệnh gia tăng nhanh. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1 - 5 tuổi, tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%). Các tuýp virus chủ yếu là EV71 (chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi), chiếm 21%,
“Chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam. Tuy vậy, bệnh có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời”, ông Đặng Quang Tấn cảnh báo.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: Các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng về bệnh tay chân miệng. Khi trẻ bị bệnh, hãy cho trẻ nghỉ học, chăm sóc tại nhà để tránh tình trạng lây bệnh sang các em bé khác; Phải đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế, cho trẻ uống nhiều nước và hạ nhiệt. Nếu trẻ bệnh ở thể nhẹ thì đều có thể điều trị ngoại trú. Gia đình cần theo dõi các cơn sốt và thể trạng chung để điều trị kịp thời”.
PGS.TS Trần Minh Điển cũng khuyên: Để phòng bệnh phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Với những người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay với xà phòng trước khi chăm trẻ, cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ… Vì nếu mang một bàn tay bẩn, tiếp xúc đồ chơi, vật dụng ăn uống... sẽ có nguy cơ truyền bệnh cho trẻ khác. Cha mẹ cũng cần rèn cho trẻ nếp rửa tay xà phòng sạch sẽ trước khi ăn uống.
Bệnh sởi: Hữu hiệu nhất là tiêm phòng
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên và lây lan rất mạnh. Trẻ em, người lớn chưa bị bệnh, chưa được tiêm phòng khi tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm ngừa vắc xin.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: Trong 9 tháng của năm 2018, 2.942 trường hợp sốt phát ban được ghi nhận tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, có 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.
Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao là: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1 - 4 tuổi chiếm 37,8%. Trường hợp đã được tiêm chủng chiếm 13,6%, còn lại là không được tiêm chủng chiếm 44,5% và không rõ tiền sử tiêm chủng chiếm 41,9%.
Bộ Y tế đưa ra cảnh báo: Người dân phải chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi, hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây, nhiễm sởi từ bệnh viện. Bệnh sởi rất dễ lây vì vậy không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh vấn đề này. Để phòng bệnh sởi, thứ nhất là vệ sinh cá nhân sạch sẽ; phải cách ly, không tiếp xúc với bệnh nhân. Đặc biệt, tại các bệnh viện phải phân khu rõ để tránh lây nhiễm chéo các bệnh nhiễm khuẩn khác, vì như vậy dễ gây ra những biến chứng. Thứ hai là phải tiêm phòng. Chỉ có tiêm phòng mới có thể phòng được bệnh. Về cơ bản những trẻ đã tiêm phòng đều không mắc bệnh. Những ai đã mắc bệnh sởi rồi thì không bị mắc lần nữa. Vì vậy việc tuyên truyền về vấn đề tiêm phòng sởi là hết sức cần thiết.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh phổ biến trong mùa đông – xuân. Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua muỗi chứa virus. Bệnh lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt và dễ gây thành dịch lớn. Thời điểm dịch bệnh bắt đầu từ mùa mưa (từ tháng 5 - tháng 11). Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt đột ngột, sốt cao trên 38,5 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày với các triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban, có ban xuất huyết, đốm xuất huyết hoặc chảy máu và có thể sốc do mất máu. Đến nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin chưa được sử dụng tại Việt Nam, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.