Không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Theo thống kê, mỗi phút con người mua 1 triệu chai nhựa, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon, 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần, gần 1/3 túi nilon sau khi sử dụng không được thu gom và xử lý đã làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm, có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn. Chất nhựa đã hiện hữu trong nguồn nước sinh hoạt của con người (chất thải nhựa chứa một số hóa chất có thể gây độc và rối loạn hóc môn; là cục nam châm hút các chất độc khác như dioxin, kim loại và thuốc trừ sâu).
Với thực trạng tình trạng ô nhiễm môi trường có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí…. Đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và nilong gây ra, vì hiện nay việc loại bỏ chất thải nhựa là không dễ dàng bởi chưa tìm ra được sản phẩm rẻ hơn và tiện dụng hơn để thay thế hoặc do nhận thức của con người về tác hại của chất thải nhựa còn nhiều bất cập.
Phát động và triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Trường mầm non Gia Thượng đã tổ chức tuyên truyền tới các em học sinh về tác hại của sự ô nhiễm môi trường và đặc biệt là sự ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra. Nhà trường cũng kêu gọi toàn thể học sinh và giáo viên trong nhà trường hãy cùng nhau tự giác vệ sinh môi trường và chống rác thải nhựa bằng cách tuyên truyền tới cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông để cùng nhau từng bước tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilong khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.