Phối kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong nhà trường mầm non Gia Thượng và các bậc phụ huynh.
Trường mầm non Gia Thượng Tổ chức cho trẻ ăn tại trường đòi hỏi người nấu ăn phải có sự phối hợp với giáo viên để chất lượng bữa ăn của trẻ được nâng cao và đảm bảo dinh dưỡng. Trên cơ sở đó có khả năng tốt trong việc tuyên truyền giáo dục cà các kiến thức về vệ sinh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho các bậc phụ huynh.
* Phối kết hợp với giáo viên và cô nuôi:
Giáo viên và cô nuôi luôn có sự trao đổi với nhau như chị em trong cùng một nhà. Vì giáo viên là người trực tiếp cho trẻ ăn, sát sao trong từng bữa ăn của trẻ. Biết được trẻ thích ăn những món gì thì phát huy và không thích ăn những món gì thì để loại bỏ. Bởi trẻ có ăn được thì mới lớn được, mới có sức khỏe để vui chơi, học tập. Những món người lớn ta thích ăn, coi là ngon nhưng với trẻ chưa chắc đã là ngon. Một món ăn cho trẻ được gọi là ngon miệng không phải là cô thử hộ cho là ngon thì người đầu bếp được công nhận là ngon, là tốt. Nếu món ăn được công nhận là ngon thì trẻ phải ăn được hết suất, ở nhiều trẻ kết quả trên trẻ cao thì món ăn đó được gọi là hoàn hảo.
Vì thế hàng ngày sau khi nấu ăn xong các cô nuôi chúng tôi thường xuyên dự giờ ăn các lớp qua đó nắm được khẩu vị ăn của trẻ. Sau đó trao đổi với cô giáo của trẻ xem thức ăn hôm nay trẻ ăn như thế nào? Có hợp khẩu vị không? Trẻ có ăn hết xuất không?. Từ đó các cô thay đổi món ăn cho phù hợp với trẻ. Các món ăn cho trẻ luôn phải thay đổi theo mùa, theo khẩu vị của trẻ để tránh sự nhàm chán khi ăn. Khi thay đổi những món mới thì trẻ ăn có hợp khẩu vị không và cách chế biến như vậy trẻ có thích ăn không.
Đặc biệt quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng và những trẻ béo phì để có chế độ ăn riêng. Thông qua sự phối hợp giữa người nấu ăn và giáo viên giúp cho giáo viên nâng cao nghiệp vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nắm chắc hơn về chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để giáo dục trẻ có nề nếp ăn uống sạch sẽ, văn minh, lịch sự. Giúp cho người nấu ăn có kinh nghiệm trong chế biến đảm bảo đủ lượng và chất cần thiết để chế biến phù hợp với đặc điểm sinh lý và khả năng tiêu hóa của trẻ.
* Đối với kế toán:
Cùng kế toán xây dựng thực đơn đảm bảo định lượng calo, đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng các chất, thực đơn được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Với tiêu chí mùa nào thức ấy thực đơn được thay đổi theo mùa, không ăn thực phẩm trái mùa để đảm bảo chất lượng thực phẩm và có giá cả hợp lý.
* Đối với tổ nuôi:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại lên hòn núi cao
Câu ca dao trên giúp chúng ta hiếu sâu sắc hơn rằng làm việc gì dù là nhỏ nhưng nếu có sự đồng tâm hiệp lực thì sẽ đạt kết quả cao. Chính vì vậy, trong quá trình làm việc tôi luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của BGH cũng như cảu các chị em trong tổ nuôi, bên cạnh đó chúng tôi phối hợp với nhau đảm bảo dây chuyền bếp nhịp nhàng ăn ý, đảm bảo giờ ăn cũng như chất lượng bữa ăn cho trẻ. Kết hợp với các nhân viên trong tổ thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo quy trình bếp 1 chiều.
* Đối với phụ huynh:
Các cô nuôi là người trực tiếp chăm lo cho sức khỏe từng bữa cơm cho các con là chính, nhưng bên cạnh đó gia đình luôn được trao đổi với các cô giáo và phối kết hợp với các cô nuôi để tìm ra những bữa ăn ngon, đầy đủ dưỡng chất và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Nhà trường và các cô tuyên truyền đến phụ huynh bớt chút thời gian buổi chiều tối về nhà nấu thêm những bữa cơm ngon miệng cho trẻ, vì chỉ có bàn tay của người mẹ thì thức ăn mới được gọi là an toàn, không nên mua thức ăn được chế biến sẵn ở ngoài chợ, mùi vị vừa nhạt nhẽo, vừa không an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm. Có nhiều hình thức tuyên truyền như tháp dinh dưỡng cân đối, bảng thực đơn, bảng công khai tài chính…
Chính vì vậy một số phụ huynh xuống tận bếp ăn của trẻ hỏi về cách chế biến về những món ăn của trẻ vì sao cùng một món ăn mà trẻ lại thích ăn ở lớp, ăn được nhiều và tăng cân. Ví dụ như món: Trứng chim cút kho thịt lợn kho tầu, trẻ rất thích ăn nhưng ở nhà bố mẹ trẻ nói hầu như trẻ không động vào miếng thịt nào bởi ở nhà thịt quá to, chưa đủ độ mềm, mùi vị chưa đủ ngọt, không có mùi thơm. Còn khi nấu ở trường các cô thái miếng thịt bằng hạt lựu nhỏ nhắn, cho ngọt hơn so với người lớn và rất mềm nên trẻ rất dễ ăn lại được sự động viên của các cô và sự thi đua giữa các trẻ khiến trẻ ăn một cách ngon lành. Vì vậy họ đặt cả niềm tin của họ để gửi gắm đứa con của mình đến trường, đến lớp không phải lo lắng gì về sự chăm sóc của các cô trong trường mầm non.
Qua thực tế với việc áp dụng một số biện pháp trên tôi thấy việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao bữa ăn cho trẻ trong trường có hiệu quả rõ rệt:
– 100% cán bộ giáo viên, nhân viên được tập huấn kiến thức thực hành dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh chế biến, vệ sinh trong ăn uống.
– 100% cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường. Quy trình sơ chế, chế biến, chia ăn, cho trẻ.
– Trẻ ăn ngon miệng hơn và hết suất. Trẻ nhận biết được thế nào là một bữa ăn hợp lý đặc biệt là trẻ biết vệ sinh văn minh trong bữa ăn.
– Trẻ có được những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, những bữa ăn có hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhờ vào sự thay đổi bữa ăn và cách chế biến món ăn hợp lý.
– Thực đơn của nhà trường luôn thay đổi theo tuần, theo mùa có nhiều món ăn mới phong phú, màu sắc bắt mắt hấp dẫn trẻ giúp trẻ ăn ngon miệng, ăn hết xuất không có thức ăn thừa.
– Việc sử dụng các biện pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng đã góp phần giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng chung của nhà trường. Đầu năm là 7,8% cuối năm còn 1,8%.
Có thể nói, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng cho trẻ là một việc làm rất cần thiết và là một quá trình liên tục, lâu dài và phải có những biện pháp cụ thể. Để có những bữa ăn chất lượng cho trẻ phải đảm bảo VSATTP, cách chế biến các món ăn phải luôn thay đổi và được kết hợp từ nhiều loại thực phẩm khác nhau… Đó là sự cố gắng nghiên cứu tìm tòi sáng tạo để chế biến ra những món ăn mới lạ, hấp dẫn trẻ cũng như lòng nhiệt tình, yêu nghề của đội ngũ cô nuôi chúng tôi.
Hơn nữa hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non Gia Thượng có chất lượng, an toàn, khoa học sẽ thúc đẩy mọi hoạt động của nhà trường. Vì trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì học tập mới tốt, trẻ mới mạnh dạn, hồn nhiên tham gia tích cực vào các hoạt của trường của lớp. Nếu không được chăm sóc tốt thì trẻ sẽ chậm lớn, chậm phát triển dẫn tới suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Chế độ ăn uống của trẻ phải dựa vào các loại thực phẩm sạch sẽ, hợp vệ sinh, không được cho trẻ ăn thực phẩm đã quá hạn sử dụng, thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, có mùi lạ hoặc thực phẩm biến đổi màu vì rất dễ bị ngộ độc. Thức ăn, nước uống rất cần thiết đối với cơ thể trẻ, nhưng cũng chính do thức ăn, nước uống đã gây cho trẻ biết bao bệnh tật vì thức ăn là môi trường thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu của trường chúng tôi.
Việc nuôi dạy trẻ ở nhà trường là hai vấn đề song song. Nếu chỉ dạy tốt mà nuôi dưỡng không tốt thì cũng chưa đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, cân đối, hình thành và phát triển tốt các mặt “Đức – Trí – Thể – Mỹ ”, đặt nền tảng vững chắc cho các bậc học tiếp theo. Nếu chế độ ăn của trẻ mà thiếu về số lượng và không cân đối về chất lượng thì trẻ sẽ bị giảm cân, giảm khả năng hoạt động, tăng khả năng mắc bệnh. Ngược lại nếu trẻ ăn quá nhiều lượng không cân đối tỉ lệ giữa các chất sẽ dẫn đến cơ thể thiếu chất và ốm yếu, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng không tốt, khiến cho trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, tôi cùng với các thành viên trong tổ nuôi luôn thực hiện tốt công việc được giao, luôn tìm tòi, học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt những nội quy và quy định trong công việc để việc chăm sóc trẻ này ngày càng tốt hơn, chất lượng bữa ăn được nâng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm tuyệt đối. Trong năm vừa qua, trẻ sau khi vào trường được sự chăm sóc của các cô với bữa ăn ngon, đủ chất mà tỉ lệ suy dinh dưỡng giảm đi đáng kể. Phòng bệnh hơn chữa bệnh tôi thiết nghĩ một bữa ăn đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Tôi mong rằng mọi người hãy cùng nâng cao nhận thức và chung tay góp sức vì sức khỏe của con em chúng ta.
Để có được kết quả trên điều quan trọng là mỗi thành viên ở trong tổ phải nhận thức rõ tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và phải biết phát huy hết khả năng của từng người, tập hợp sức mạnh của tập thể.
– Phải biết tận dụng khả năng, điều kiện với mọi phương tiện để hỗ trợ cho việc đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cao chất lượng bữa ăn một cách thiết thực và khoa học nhất.
– Phải thường xuyên rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc để tìm ra những biện pháp, những hình thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt nhất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi và phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương
– Tham gia đóng góp xây dựng thực đơn theo mùa, theo sự đóng góp của phụ huynh học sinh, công khai khẩu phẩn ăn của trẻ, công khai thực đơn hàng ngày để tạo niềm tin cho phụ huynh.
– Phải biết lắng nghe ý kiến chỉ đạo của cấp trên, thu thập thông tin qua giáo viên và phụ huynh để hoàn thiện công việc một cách tốt nhất.
– Phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của bản thân để phục vụ cho công việc và đảm bảo sức khỏe của trẻ ngày càng tốt hơn.