Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:
- Vải cotton hoặc vải dạ
- Sơn vải hoặc vải dạ
- Hạt đậu tương đã rang chín
- Chỉ màu, kim, chỉ, kéo, bàn là, máy khâu.
Bước 1:
Dùng giấy đề can, in bảng chữ cái (chữ hoa, chữ thường), bảng số, hoặc các hình ảnh đơn giản mà sinh động có thể giúp bé nhận biết tốt. Cắt hình đã in trong khuôn khổ những ô vuông nhỏ. Dùng dao rọc giấy để khoét bỏ phần hình ảnh đã in, rạch dao theo sát mép của hình in.
Bước 2:
Cắt những ô vuông vải có cạnh chừng 10cm. Một túi hạt đậu gồm hai miếng vải hình vuông như thế, bạn có thể dùng cùng màu vải hoặc một bên vải màu, một bên vải trắng để vẽ hình.
Dán đề can mà bạn đã khoét hình vào vải, đặt cân đối và là cho đề can dính chặt vào vải.
Dùng chổi lông nhỏ sơn màu vào phần vải hiện ra qua khoảng trống của đề can đã khoét.
Miếng vải còn lại của túi hạt đậu có thể được sơn hình hoặc để trống. Nếu là hình chữ cái thì bạn nên chọn một mặt in hình chữ hoa, một mặt in hình chữ thường cho bé dễ nhận biết.
Bước 3:
Nếu bạn không thích dùng sơn màu thì có thể cắt hình bằng vải dạ rồi may sát mép hình để gắn nó vào giữa ô vuông vải làm túi.
Bước 4:
Áp hai mặt phải của hai hình vuông vào nhau, ghim cho ổn định các mép vải trùng nhau.
May một đường bao quanh các cạnh của hai miếng vải vuông để có một túi vải nhỏ, chừa lại 2cm không may để còn lộn vải.
Bạn nên cắt giảm góc vải tại các đỉnh vuông trước khi lộn phải, nhất là với những loại vải dày như vải dạ.
Sau khi lộn phải túi bạn miết phẳng các cạnh, là cho chết nếp, sao cho túi vải vuông vắn.
May sát mép một đường bao quanh, cũng chừa lại 2cm không may (tại vị trí đã chừa lại từ lần may trước) để còn nhồi hạt đậu.
Đây là hình ảnh của chiếc túi đã may xong, chưa nhồi hạt đậu.
Bước 5:
Nhồi hạt đậu đã rang chín vào túi cho căng, không nên nhồi căng quá túi cầm sẽ bị cứng, bạn chỉ nhồi sao cho túi phồng đầy đặn và bóp lạo xạo được hạt đậu trong túi.
Khâu kín phần khe hở mà bạn đã để chừa khi nhồi đậu. Như vậy là bạn đã có được một túi vải nhỏ nhồi hạt đậu và trên túi có sơn hình mà bạn có thể giúp bé học nhận biết.
Bạn khâu thêm nhiều túi để tạo thành từng bộ túi chơi mà học cho bé. Chẳng hạn một bộ chữ cái giúp bé nhận biết mặt chữ và ghép vần:
Nếu bé thích chơi túi hạt đậu và học nhận biết qua nó, bạn có thể làm cho bé hai túi lớn đựng riêng bộ chữ cái và chữ số, bạn có thể thêu tay hoặc thêu máy thay cho sơn hình lên vải:
Thậm chí bạn có thể thêu tay áp vải hay thêu máy những hình ảnh đơn giản để giúp bé nhỏ nhận biết sự vật, giúp bé lớn biết cách minh họa hình ảnh cho chữ cái đã học:
Để giúp bé hứng thú hơn với đồ chơi nhỏ xinh này, mẹ hãy cho bé cùng tham gia từng bước làm ra túi hạt đậu nhé, nhồi hạt đậu vào túi hay sơn hình cho vải là những việc bé có thể tự làm được một cách vui vẻ:
Và khi sản phẩm hoàn thành thì bé có thể chơi lâu dài từ tuổi nhỏ tới lớn, chị em hay bạn bè khác lứa tuổi đều có thể cùng chơi được vì mỗi bé sẽ tìm thấy những điều mới mẻ và hứng thú khác nhau của túi hạt đậu xinh yêu này để chơi mà học:
Bạn có biết không, túi hạt đậu dạng này thơm tự nhiên và rất hữu ích cho sức khỏe, vào mùa đông bạn có thể cho túi vào lò vi sóng quay nóng một chút, nó sẽ giống như một túi chườm nhỏ giúp bé đỡ lạnh tay, còn vào mùa hè túi nhồi hạt cũng không hề nóng như nhồi bông, cầm trên tay lạo xạo, kích thích bé phát triển giác quan. Hẳn là bạn cũng thích bé có những đồ chơi hữu ích như thế, chúc bạn thành công nhé!