10 lời khuyên về dinh dưỡng cho bé
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ đảm bảo sự phát triển tốt cả về thể lực lẫn trí lực cho trẻ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần có những hiểu biết cơ bản về dinh dưỡng cho bé trong từng giai đoạn phát triển.
Không có bất kỳ loại thực phẩm nào cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, mỗi loại thực phẩm có một chức năng nhất định. Do đó nếu chỉ tập trung ăn một số loại thực phẩm sẽ dẫn đến trạng thái thừa chất này, thiếu chất khác… Cho nên, cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm để bổ sung đủ các chất dinh dưỡng, đồng thời thường xuyên thay đổi món ăn để giúp trẻ ăn ngon miệng.
Sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, đầy đủ dinh dưỡng và dễ hấp thụ nhất đối với trẻ nhỏ, vì vậy cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh. Trong 4 tháng đầu sau sinh nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.Tuy nhiên, nếu muốn bạn có thể cho trẻ ăn những món ăn mềm, ninh nhừ và loãng để bảo vệ hệ tiêu hoá của trẻ.
Không nên cai sữa trước 12 tháng tuổi, nếu có điều kiện nên cho trẻ bú kéo dài tới 18 – 24 tháng.
Khẩu phần ăn
Cơ thể trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Vì vậy cần phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món theo chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo cho những bước phát triển chắc chắn của trẻ.
Chất đạm
Đạm là nguồn cung cấp axit amin và các chất dẫn truyền thần kinh. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác. Kẽm có nhiều trong hàu, sò, cá và các loại hạt. Sắt là khoáng chất cần thiết để tạo máu… Mỗi loại thực phẩm cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định do đó cần cân đối tỉ lệ đạm động vật và thực vật để có một bữa ăn cân đối, đủ chất, giàu dinh dưỡng. Tăng cường các thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa…
Chất béo
Chất béo được cung cấp từ thức ăn động vật (mỡ, bơ) và thức ăn thực vật (dầu thực vật), mỗi bữa ăn nên sử dụng phối hợp cả chất béo động vật và chất béo thực vật. Chú ý đến lượng mỡ trong lương thực như trong xúc xích, phô-mai, khoai tây chiên, bánh ngọt…
Nên dùng bơ thực vật để ăn bánh mì thay vì bơ từ sữa. Sử dụng các loại dầu thực vật như dầu hoa hướng dương, dầu ô-liu, dầu hạt cải, dầu mầm lúa mì… có chứa nhiều axit mỡ quan trọng và an toàn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, tuỳ từng lứa tuổi và thể trạng mà chế độ sữa sẽ thay đổi.
Các bậc phụ huynh cũng nên có sự phối hợp dinh dưỡng khéo léo. Không nên quá lạm dụng sữa mà bỏ qua các chế độ dinh dưỡng khác. Khi chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động, năng lượng thừa trong cơ thể sẽ tăng lên làm trẻ dễ bị béo phì. Uống nhiều sữa không gây hại cho trẻ, nhưng có thể khiến trẻ chán ăn, hoặc lười ăn các đồ ăn khác.
Thức ăn mặn
Muối ăn là gia vị cần thiết và làm cho món ăn của trẻ thêm đậm đà. Song không nên cho trẻ ăn nhiều muối vì về lâu dài sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Theo tổ chức dinh dưỡng Anh quốc, lượng muối mà trẻ từ 1 – 6 tuổi ăn trong 1 ngày không nên vượt quá 2g. Trẻ nhỏ nếu ăn thực phẩm có lượng muối quá cao trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến khẩu vị sau này, mà nguy cơ mắc bệnh như huyết áp cao, bệnh thận và bệnh tim cũng lớn hơn, đồng thời sự phát triển của xương cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn: cá khô, thịt xông khói, rau củ khô, vốn là những thực phẩm có thành phần muối bảo quản.
Rau của, trái cây
Nên ăn rau và trái cây nhiều lần trong ngày. Rau, trái cây chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ giúp cơ thể tránh được ung thư, bệnh tim, tuần hoàn máu…
Ăn nhiều rau củ và quả chín hằng ngày sẽ giúp bổ sung thêm nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể, đồng thời giải độc và giảm cholesterol thừa ra khỏi đường tiêu hoá.
Vitamin nhóm B: B1, B5, B6 có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau, vitamin B9 (axit folic) có nhiều trong rau lá xanh đậm, các loại hạt, bông cải, cam bưởi, lòng đỏ trứng… đều là những dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, nhất là não bộ của trẻ.
Vệ sinh an toàn thực phẩm
Song song với việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cần đảm bảo lựa chọn và sử dụng thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh an toàn để đảm bảo thực phẩm không là nguồn gây bệnh cho bé yêu. Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao không chứa các chất bảo quản, hoá chất bảo vệ thực vật, không mang các mầm bệnh đường tiêu hoá. Nước có thể là nguồn lây nhiễm bệnh, gây ngộ độc nhanh, cho nên chỉ dùng nước sạch để chế biến thức ăn.
Nước uống và đồ ngọt
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thức uống dành cho trẻ. Tuy nhiên, nước đun sôi để nguội vẫn là thức uống quan trọng và an toàn nhất cho trẻ. Không cần quá cứng nhắc, hoặc ép trẻ uống nước theo thời gian biểu nhất định. Nên kết hợp theo dõi thời tiết, cũng như hoạt động của trẻ để bổ xung lượng nước thích hợp.
Chất bột đường là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, và là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho hoạt động của não. Vì vậy, cần bổ sung các loại đường hấp thụ chậm như cơm, bánh mì, khoai củ, trái cây… cho trẻ. Hạn chế các loại đường hấp thu nhanh vào máu: nước ngọt, bánh kẹo, thức uống có đường…
Nếp sống
Để con bạn phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần, hãy hướng cho trẻ vận động thường xuyên. Tổ chức trò chơi nhỏ với con: chơi lò cò, trốn tìm, nhảy dây, đạp xe đạp, đi bơi… Giải đáp thắc mắc và cùng con khám phá thế giới xung quanh, điều này sẽ giúp phát triển khả năng liên tưởng và học hỏi của trẻ.
Vận động và vui chơi tích cực không chỉ cần thiết đối với sự phát triển của trẻ mà còn có thể giúp trẻ phòng ngừa được nguy cơ béo phì.