Dù đem lại cảm giác ngon miệng khi thưởng thức nhưng những món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bạn chế biến không đúng cách.
1. Củ sắn
Sắn là một trong những loại lương thực ở các nước đang phát triển, cung cấp thức ăn cho nhiều người. Nhưng nếu không biết cách sơ chế, sẽ khiến trong củ sắn còn dư chất xyanua, gây ngộ độc cấp tính xyanua, làm tê liệt một phần cơ thể hoặc thậm chí là gây tử vong.
Sắn an toàn khi được hấp, luộc, rán hoặc nghiền nhừ rồi nấu chín. Phần vỏ bên ngoài củ sắn rất độc, cần bóc bỏ trước khi chế biến. Sắn sống rất độc vì vậy không nên ăn sống.
2. Tôm
Số lượng tôm bán ra thị trường phần lớn là do nuôi trồng. Vì vậy, để tránh dịch bệnh trong các khu vực nuôi trồng thủy hải sản này mà người nông dân thường bơm, trộn vào thức ăn của tôm các loại kháng sinh. Thậm chí còn bỏ thuốc diệt nấm vào các vùng nước biển có nuôi tôm. Những loại hóa chất độc hại này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bạn ăn những loại tôm được nuôi trồng, chăm sóc như vậy.
3. Khoai tây
Khoai tây là loại thực phẩm bổ dưỡng và nhìn chung là nó khá an toàn. Tuy nhiên, nếu để khoai tây trong môi trường ẩm ướt hoặc quá sáng trong thời gian dài, khoai tây sẽ bị mọc mầm.
Trong mầm khoai tây chứ các hợp chất độc hại là glycoalkaloids gây ngộ độc, thậm chí chết người nếu ăn phải. Hãy vứt bỏ những củ khoai tây ngay lập tức khi thấy nó có màu xanh hoặc nảy mầm.
4. Hạnh nhân đắng
Hạnh nhân đắng chứa một lượng lớn xyanua hơn hạnh nhân ngọt. Hạnh nhân đắng thường được sử dụng trong y học nhưng lưu ý là, chỉ một lượng rất nhỏ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, loại hạnh nhân này cần được loại bỏ chất cyanide trước khi đem bán.
5. Măng tre
Măng được sử dụng trong nhiều món ăn châu Á. Măng đem lại cảm giác tươi ngon, hấp dẫn rất riêng. Tuy nhiên, trong măng tươi chứa chất glycosides, cyanogenic, các loại độc tố tương tự như trong củ sắn. Những độc tố này phải được khử bằng cách nấu măng thật kỹ. Đó là lý do vì sao măng tươi cần được luộc trước khi chế biến theo những cách khác nhau.
6. Nấm
Nấm độc và nấm ăn được đôi khi rất khó phân biệt. Bên cạnh đó, nhiều loại nấm bị nhiễm kim loại nặng, thậm chí chất phóng xạ nếu nó mọc gần ở các nhà máy hoặc các khu vực có chất phóng xạ. Vì vậy, không nên thu hái nấm ở hai bên đường hoặc ở gần nhà máy nào đó. Cũng không nên hái một loại nấm nào đó khi chưa biết nó là nấm độc hay không.
7. Thực phẩm mốc
Nếu thực phẩm đã bị mốc, thay vì chỉ cắt bỏ chỗ mốc, hay vứt toàn bộ phần thực phẩm đó đi. Riêng pho mát đặc biệt như pho mát xanh thì có thể an toàn vì đã được kiểm chứng.
8. Đại hoàng
Mặc dù thường được bán cùng với lá nhưng chỉ có thân của cây đại hoàng mới là phần ăn được. Nếu ăn lá, cơ thể người sẽ bị nhiễm độc.
9. Cá nóc
Cá nóc là một trong những món ăn nổi tiếng trong ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên, cá nóc cũng rất độc nếu không biết cách làm. Độc cá nóc có thể gây chết người. Do đó, chỉ có những đầu bếp đã qua 3 năm đào tạo và được cấp giấy phép đặc biệt mới được chế biến món cá nóc này.
10. Đậu
Hạt đậu thô (chưa qua xử lý) chứa lectin, một chất độc hại và nó chỉ được loại bỏ bằng cách nấu lên. Lưu ý, nấu các hạt đậu mà không làm nó sôi lên cũng không loại bỏ được độc tố. Vì vậy, cần đun sôi chúng lên trong vòng ít nhất 10 phút để loại bỏ chất độc.