Trong khẩu phần ăn của các bé nước ta, các yếu tố dinh dưỡng rất cần thiết đối với quá trình tăng trưởng chiều cao là calci và vitamin D nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cứ 4 bé thì có 1 bé suy dinh dưỡng thấp còi
PGS.TS. Lê Bạch Mai (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, kết quả khảo sát của Viện năm 2014, tình trạng dinh dưỡng của bé Việt Nam trong ba thập kỷ qua đã được cải thiện đáng kể. Tính từ năm 1985 đến năm 2014, tỷ lệ bé dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 51,5% xuống còn 14,5%. Tương tự, tỷ lệ thấp còi cũng giảm từ 59,7% xuống còn 24,9%.
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ này thì ở Việt Nam, hiện tại cứ 4 bé thì vẫn còn một bé bị suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi). Lý giải thực trạng này, PGS. Mai cho rằng, do tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở các bé Việt Nam vẫn còn cao: tỷ lệ thiếu máu ở bé dưới 5 tuổi là 29,2%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14,2%, thiếu kẽm (81,2%), thiếu vitamin D (53,7% ở nông thôn, 62,1% ở thành phố).
“Đặc biệt, khẩu phần của bé cũng chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu calci (canxi) và 10,6% nhu cầu vitamin D khuyến nghị, trong khi đây là những vi chất quan trọng giúp bé tăng trưởng và khỏe mạnh. Tình trạng thiếu hụt vitamin D và khẩu phần calci thấp đang là những vấn đề ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe của các bé Việt Nam”- PGS. Mai nhấn mạnh.
Cách bù đắp
PGS. Mai cho biết thêm thiếu calci làm bé chậm sự phát triển thể lực, hạn chế sự tăng trưởng chiều cao và là một trong những yếu tố nguy cơ của suy dinh dưỡng thấp còi. Nguồn cung cấp calci của cơ thể gồm calci từ thức ăn (như thực phẩm tự nhiên, thực phẩm được tăng cường) và việc uống calci bổ sung. Những thực phẩm giàu calci như sữa, fromage, sữa chua, đậu nành; các loại rau xanh (rau cải, rau bó xôi…); đậu khô, quả cây (nhất là quả có múi như bưởi, cam); các loại thức ăn nhiều đạm (cá hộp, thịt, sò, ốc).
Theo đó, nhu cầu calci cho bé 1-3 tuổi là 500mg/ngày và cho bé 4-6 tuổi là 600mg/ngày. Tuy vậy, nhu cầu calci cũng có sự thay đổi tùy theo chế độ ăn uống hàng ngày của bé. Chẳng hạn như, bé ăn nhiều thịt và các thực phẩm giàu protein khác thì cũng cần tăng thêm calci vì lượng calci đào thải qua nước tiểu cao hơn. Chế độ ăn giàu các yếu tố kiềm đặc biệt là rau, quả có tác dụng bảo vệ khối xương, còn các chế độ ăn mặn (nhiều natri) thì có tác dụng ngược lại.
Sữa chứa nhiều calci và là nguồn calci tối ưu cho bé phát triển chiều cao, có một bộ xương vững chắc sau này. Thông thường với những bé bị suy dinh dưỡng thấp còi, bữa ăn của bé thường khá nghèo calci (ít sữa). Phần lớn nguồn protein trong khẩu phần đều từ các thực phẩm như thịt, giò, chả, trứng… chưa mang lại tính cân đối và hợp lý cho khẩu phần, khiến việc hấp thu và sử dụng calci cho cơ thể cũng bị ảnh hưởng.
Bữa ăn của bé thường nghèo calci (ít sữa) nhất là đối với bé bị suy dinh dưỡng thấp còi. Vì thế mức đáp ứng nhu cầu calci của bé nước ta mới chỉ đạt ở mức xung quanh 60.3% và thấp