Trẻ dễ còi cọc vì thiếu chất xơ
Trẻ từ 1-5 tuổi thường rất ít ăn rau. Nguyên nhân thì có rất nhiều, thế nhưng, có thể nhận thấy rằng - không như những thực phẩm giàu gia vị, thơm ngon khác, rau, đặc biệt là các rau luộc khá nhạt miệng nên không kích thích sự thèm ăn của trẻ. Chẳng những vậy, nhiều loại rau lại khá dai, khó nuốt khiến trẻ có ấn tượng xấu.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ cũng chưa hiểu hết vai trò của rau xanh với sự phát triển toàn diện của trẻ nên nếu trẻ không muốn cũng sẵn sàng bỏ qua. Chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Thông thường, tôi chỉ ép bé ăn đủ thịt, cá thôi, còn rau ăn được thì tốt, không ăn thì thôi. Thịt thì mới có chất để phát triển, còn rau chủ yếu cung cấp vitamin, không lấy từ nguồn này thì có thể bổ sung từ nguồn khác".
Trên thực tế, rau xanh không chỉ cung cấp vitamin như nhiều người nghĩ mà nó còn mang đến cho cơ thể nguồn chất xơ dồi dào. Thiếu rau, hệ tiêu hóa là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng và biểu hiện thường thấy nhất là táo bón. Cũng vì táo bón mà nhiều trẻ trở nên còi cọc do cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng. Mặt khác, với những trẻ thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, nhiều năng lượng, chất xơ bị thiếu hụt sẽ khiến chất béo tích tụ và khiến tình trạng béo phì càng trở nên trầm trọng hơn.
Mẹo nhỏ, hiệu quả lớn
Lợi ích của rau xanh nhiều như vậy, nhưng làm thế nào để có thể giúp trẻ thích ăn rau? Theo một nghiên cứu của trường ĐH Nottingham, Vương quốc Anh, trẻ dưới 3 tuổi thường rất thích màu sáng và vui mắt, nên khi bắt đầu cho trẻ tập ăn rau, bạn hãy bắt đầu với các loại rau sáng màu như: súp lơ, củ cải trắng, bí xanh, măng tây, cà rốt... Còn khi từ 3 tuổi trở lên, trẻ lại không thích màu xanh lá cây nên nếu bây giờ mới tập cho trẻ ăn rau, bạn hãy bắt đầu bằng các loại rau khác màu xanh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng của Đại học Cambridge (Anh) lại khẳng định, trẻ nhỏ thường cảm thấy lo sợ trước cái gì mới lạ. Do đó, nếu bình thường, bố mẹ không tích cực bày rau trước mặt trẻ vào mỗi bữa ăn, rồi đột nhiên một ngày, bắt trẻ phải ăn thứ mà chúng chưa từng được tiếp xúc bao giờ, trẻ chắc chắn sẽ không thích. Thế nên, một mẹo nhỏ là ngay từ khi trẻ chưa ăn được rau, bạn hãy để cho bé làm quen với rau bằng cách cho trẻ cầm, cắn... các loại củ, quả.
Có một mẹo mà các mẹ vẫn thường truyền tai nhau khi cho trẻ ăn rau, đó là phải thường xuyên đổi bữa, vì như thế sẽ giúp trẻ cảm thấy không bị nhàm chán. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹo này chỉ thực sự hữu ích với những trẻ lớn và đã có thể ăn rau hàng ngày. Còn với trẻ mới tập ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ, bạn chỉ nên thay đổi thực đơn một cách từ từ vì như thế mới tập cho trẻ làm quen với mùi vị của từng loại rau. Hơn nữa, việc này cũng là cách để bạn kiểm tra xem trẻ có thực sự thích loại rau đó hay không.
Một điều nhỏ nhưng cũng khá quan trọng nữa là bản thân rau rất nhiều chất xơ nên rất khó nuốt, thế nên, nếu không muốn biến rau thành nỗi ám ảnh của trẻ, bạn hãy cắt nhỏ các loại rau ra. Việc này sẽ tránh cho trẻ tình trạng vừa ăn, vừa nhả bã. Không chỉ vậy, nếu muốn trẻ ăn nhiều rau, bạn đừng quên bày biện thật đẹp mắt để kích thích sự tò mò. Rõ ràng, chỉ cần trẻ chú ý đến món rau thì cơ hội trẻ ăn được rau cũng lớn hơn.
Không những vậy, trẻ nhỏ thường rất thích nịnh, thế nên, nếu khi tập ăn, trẻ ăn được dù chỉ chút ít thôi, bạn đừng quên nói lời khen ngợi nhé. Nó sẽ là động lực để bữa sau trẻ phấn đấu hơn! Còn nếu trẻ vẫn cương quyết từ chối món rau, đừng quát mắng vì khi đó, món rau với trẻ sẽ gắn liền với ký ức xấu, và trẻ sẽ càng không thích ăn hơn.
Cho trẻ ăn rau tưởng như là việc khó, thế nhưng, với những mẹo trên thì sớm hay muộn trẻ cũng sẽ bị "thuần phục". Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ: bí kíp vàng vẫn là kiên nhẫn!
"Muốn trẻ ăn rau, trước hết, cha mẹ phải là người làm gương cho trẻ nhìn và học theo. Nếu bản thân cha mẹ cũng không thích ăn rau thì rất khó để ép trẻ thực hiện việc này. Hơn nữa, người không thích ăn rau thường ít khi nghĩ đến việc chế biến rau thành nhiều món khác nhau nên càng khó kích thích trẻ ăn. Vì thế, nếu ai đang lười ăn rau thì đây chính là thời điểm tuyệt vời để cả nhà cùng nhau tập ăn".
Hàm lượng rau xanh trẻ ăn cần ăn:
- Từ 12-18 tháng là 50-100g rau xanh/ngày.
- Từ 2-6 tuổi cần 3 khẩu phần rau vào khoảng 100-200g/ngày.
- Độ tuổi tiểu học có thể cho trẻ ăn rau xanh gần như khẩu phần của người lớn (300-500g/ngày).