Trẻ thiếu dinh dưỡng có thể xuất phát từ chính sự chủ quan của các bậc cha mẹ.
Trẻ không đạt khuyến nghị dinh dưỡng và “gánh nặng kép” về dinh dưỡng ở Việt Nam (tồn tại song song hai thực trạng suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì) đang tạo ra sự quan tâm cho các nhà chuyên môn, giới truyền thông và các cơ quan hữu trách. Thế nhưng, đối với phụ huynh, không ít người vẫn thờ ơ và chưa nhận thức đầy đủ thực trạng này.
Cha mẹ chủ quan con thiếu dinh dưỡng
Trẻ thành thị vẫn có thể không đạt khuyến nghị dinh dưỡng
Công bằng mà nói, vấn đề dinh dưỡng dành cho trẻ em Việt Nam đã được nhà nước cũng như các cơ quan hữu năng rất quan tâm thông qua hàng loạt các chương trình cải thiện về dinh dưỡng trên diện rộng. Cũng nhờ đó mà Việt Nam đã được công nhận là một trong số ít các quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng gần với “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”. Tuy nhiên, thực trạng trẻ em Việt Nam bị thiếu dinh dưỡng vẫn còn là một vấn đề rất “nóng”. Vậy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bắt nguồn từ đâu?
Cha mẹ cần cung cấp những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho con (ảnh minh họa)
Vấn đề thiếu dinh dưỡng ở trẻ em có thể xuất phát từ chính sự chủ quan của các bậc cha mẹ. Bé Hoài Tr., 8 tuổi, ngụ tại quận 5 – TP.HCM, là một thí dụ. Tháng qua, khi được đưa đến khám tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bé được chẩn đoán suy dinh dưỡng. Chị Tăng Ánh M., mẹ bé Tr., chia sẻ: “Ở nhà, tôi cho bé ăn uống rất đầy đủ. Đến tuổi đi mẫu giáo, khi nhìn qua chương trình học cũng như thực đơn của trường dành cho các bé mỗi ngày, tôi khá yên tâm và cứ nghĩ là cháu đã được ăn uống chu đáo, không cần bồi dưỡng gì đặc biệt”. Suy nghĩ của chị M. không phải là cá biệt. Khá nhiều phụ huynh cũng có tâm lý phó thác hoàn toàn chuyện dinh dưỡng của con cho nhà trường mà không cần theo dõi chế độ ăn, cân nặng từ đó điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cho trẻ ngay từ nhà trường hoặc khi về nhà. Đến khi trẻ thiếu dinh dưỡng hay thừa cân thì đã muộn.
Dinh dưỡng cho trẻ: Không thể thiếu vai trò cha mẹ
Theo TS Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia: “Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất và tinh thần trong giai đoạn phát triển đầu đời của mỗi cá nhân. Vì thế các bậc phụ huynh cần nghiêm túc và thường xuyên theo dõi việc ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Họ nên trang bị những kiến thức dinh dưỡng nhất định để có thể biết con mình cần ăn gì, không nên ăn gì theo nhu cầu của cơ thể”.
Làm thế nào cung cấp, bổ sung những dưỡng chất quan trọng cho trẻ trong thực đơn và chế độ dinh dưỡng hàng ngày? Các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị nên ăn đa dạng vì không một thực phẩm đơn lẻ nào trong tự nhiên có thể cung cấp đầy đủ, hợp lý tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. TS Lê Nguyễn Bảo Khanh khuyến cáo: “Để thực hiện được việc đa dạng hóa bữa ăn, bữa ăn hàng ngày của mỗi người phải có ít nhất 15 loại thực phẩm khác nhau đến từ bốn nhóm thực phẩm gồm nhóm giàu chất bột đường, nhóm giàu đạm, nhóm giàu chất béo, nhóm giàu vitamin và khoáng chất”.
Để thực hiện được lời khuyên trên, chắc chắn phải nhờ đến vai trò của các bậc cha mẹ, bởi họ là người quyết định trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, đừng nên sai lầm khi trông cậy và đặt trọn trách nhiệm việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con mình lên bếp ăn của nhà trường; cũng hãy đừng cho rằng tập trung cho con ăn những đồ ăn đắt tiền, ngon, bổ là đã cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con. Hãy là một người cha, người mẹ thông thái với những hiểu biết và lựa chọn thông minh khi cung cấp những bữa ăn đa dạng và đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho con mình. Cũng đừng quên rằng ngoài dinh dưỡng, vận động chính là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Hoạt động thể chất ngoài trời, chơi thể thao kết hợp với dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp tiêu hao năng lượng thừa và kích thích trẻ tích cực nạp thêm năng lượng mới. Nói cách khác, dinh dưỡng và vận động là “bộ đôi vàng” đem đến giải pháp cho thực trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em hiện nay.