Nhiều bậc cha mẹ của trẻ tự kỷ cho rằng chế độ ăn GFCF thành công trong việc giúp giảm các triệu chứng của chứng tự kỷ.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có 01 trong 1.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi chứng tự kỷ, mặc dù con số chính xác và phân loại chứng tự kỷ vẫn còn tiếp tục thống kê và nghiên cứu. Chế độ ăn uống là một trong những cách chữa trị được ủng hộ để giúp quản lý tốt bệnh tự kỷ, bao gồm thực phẩm không chứa gluten, không chứa casein, được gọi là chế độ ăn GFCF (gluten-free, casein-free diet). Mặc dù không có nghiên cứu đánh giá đầy đủ về hiệu quả của chế độ ăn kiêng GFCF, nhưng nhiều bậc cha mẹ của trẻ tự kỷ cho rằng chế độ ăn GFCF thành công trong việc giúp giảm các triệu chứng của chứng tự kỷ.
Tránh thực phẩm chứa Gluten
Gluten là một protein có trong lúa mạch đen, lúa mạch và lúa mì. Nhóm vận động bệnh tự kỷ TACA (Talk About Curing Autism), Hoa Kỳ khuyên nên đọc nhãn thực phẩm cẩn thận để tránh ăn thực phẩm có chứa gluten.
Do thực phẩm chứa gluten có chứa các vitamin và chất xơ có giá trị, nên chế độ ăn uống không chứa gluten có thể được yêu cầu giám sát chặt chẽ bởi một chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh tự kỷ, tránh tình trạng thiếu hụt vitamin và các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Tránh thực phẩm chứa Casein
Giống như gluten, casein là một protein được tìm thấy trong nhiều sản phẩm thực phẩm. Tất cả các sản phẩm sữa chứa casein bao gồm phô mai, sữa chua, sữa bò, sữa dê. Theo tổ chức Tự kỷ lên tiếng (Autism Speaks), casein, cũng như gluten, được cho là bị chuyển hóa khác biệt ở những người tự kỷ, gây ra các triệu chứng khiếm khuyết giao tiếp và xã hội trong chứng tự kỷ.
Loại bỏ casein khỏi chế độ ăn nên được thực hiện cẩn thận, vì nó có thể gây ra sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng có giá trị như canxi và vitamin C. Cần bổ sung đủ canxi và vitamin C theo khuyến cáo để tăng sức mạnh xương khớp và sức đề kháng của cơ thể.
Tránh các sản phẩm làm từ đậu nành
Nước tương, edamame, bánh mì kẹp thịt đông lạnh và dầu đậu nành chỉ là một số trong các mặt hàng có chứa đậu nành. Ngoài ra, có nhiều loại thực phẩm như kẹo cao su hoặc các thức uống giải khát có chứa nguồn đậu nành bên trong. TACA khuyến cáo cần mạnh tay loại bỏ đậu nành khỏi chế độ ăn cho những trẻ tự kỷ, vì đậu nành được sản xuất ở Mỹ thường bị biến đổi gen và có thể là một chất gây dị ứng thực phẩm.
Khuyến cáo nên đọc cẩn thận nhãn thực phẩm để hạn chế đậu nành trong chế độ ăn uống của trẻ tự kỷ. Mặc dù không có nghiên cứu đầy đủ về việc hạn chế đậu nành sẽ giúp giảm các triệu chứng tự kỷ, nhưng TACA nói rằng nhiều cha mẹ có con tự kỷ thực hiện chế độ ăn uống hạn chế đậu nành và chế độ ăn kiêng GFCF và đã cho thấy có những cải thiện ở trẻ tự kỷ.