Trong ruột của con người nói chung và trẻ em nói riêng có đến 100 nghìn tỷ vi khuẩn cả có lợi và có hại. Mỗi trẻ lại có tỉ lệ các loại vi khuẩn khác nhau tùy thuộc vào chế độ ăn uống. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa lượng vi khuẩn tốt và xấu chính là chìa khóa cho sức khỏe của trẻ.
Để có được sự cân bằng này, các nhà dinh dưỡng đã đưa ra 2 cách can thiệp là: bổ sung trực tiếp vi khuẩn sống (probiotics) hoặc bổ sung chất kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn này (prebiotics) để tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Prebiotics, probiotics và những điều kì diệu
Prebiotics:
Được định nghĩa là một dạng thực phẩm tự bản thân không tiêu hóa được nhưng có ảnh hưởng tốt cho cơ thể con người bằng cách kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi. Prebiotics rất giàu trong đậu nành, yến mạch thô, lúa mì nguyên cám, lúa mạch nguyên cám, hành, chuối, tỏi, nho, a-ti-sô, măng tây, sữa chua… và được xem là thức ăn của những vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe.
Những prebiotics thông dụng được bổ sung vào thực phẩm hiện nay có thể kể đến hai loại chất xơ đặc biệt là inulin và oligofructose vào trong sữa cho trẻ từ 6 tháng tuổi, vào bột ngũ cốc cho trẻ ăn dặm. Khi đến ruột, inulin và oligofructose có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi (Lactobacillus và Bifidobacteria) mang lại một số lợi ích nhất định cho trẻ như tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng.
Probiotics:
Được định nghĩa là những vi khuẩn sống trong đường tiêu hoá. Chúng được mệnh danh là “vi khuẩn tốt bụng”, hiện diện trong sữa chua, sữa, phó mát, dưa chua, kim chi, tương bần, cà pháo, các thứ mắm… Hầu hết các probiotics hiện nay được nghiên cứu bổ sung vào thực phẩm là những vi khuẩn thuộc dòng Lactobacillus hoặc Bifidobacterium.
Hiện nay, có một số tranh cãi về việc vi khuẩn sống trong sữa chua có được xem là probiotics hay không? Bởi lẽ để có được sữa chua, người ta thường sử dụng vi khuẩn cấy (men cái) để lên men sữa và chuyển sữa ban đầu thành sữa chua. Thông thường, vi khuẩn cấy vào sữa thuộc dòng Lactobacillus bulgaricus và Streptotoccus thermophilus và những vi khuẩn này không bền vững ở môi trường acid của dạ dày và ruột non do đó không đạt được số lượng đủ lớn ở đường tiêu hoá nhằm có được hiệu quả tối ưu của một probiotics đúng nghĩa. Tuy nhiên, do các vi khuẩn cấy men này lại có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng bất dung nạp lactose ở những người bị thiếu men lactase, vì thế, với lý do này chúng vẫn được xem là probiotics.
Những tác động tích cực của probiotics làm giảm tỷ lệ mắc và giảm thời gian tiêu chảy ở trẻ em lẫn người lớn, loại trừ và kìm hãm sự phát triển của những vi khuẩn có hại, tăng cường khả năng hấp thu của hệ tiêu hoá, giảm thiểu những rối loạn tiêu hoá bởi điều trị kháng sinh, chống táo bón, cải thiện sự dung nạp đường lactose, chống đầy hơi, chướng bụng, probiotics dạng lactobacillus còn có tác dụng điều trị chàm trẻ em, dự phòng nhiễm nấm đường tiêu hoá, nấm miệng, nâng cao sức đề kháng cơ thể …
Việc bổ sung prebiotics và probiotics cho trẻ thông qua thực phẩm hàng ngày là tốt nhưng chưa triệt để bởi prebiotics chỉ phát huy đầy đủ tác dụng khi trong ruột đã có sẵn các vi khuẩn có lợi. Trong khi nếu bổ sung qua thực phẩm, các vi khuẩn này lại dễ bị tiêu diệt khi đi qua dịch dạ dày, chưa kể đến những trẻ mới ốm dậy, dùng nhiều kháng sinh, khả năng hấp thụ kém thì lại càng cần kết hợp bổ sung cả prebiotics và probiotics bằng các loại men vi sinh.