Cần ăn đa dạng  !important; và cân bằng thực phẩm
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Phổi Trung ương, bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, thì việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì lối sống lành mạnh giúp nâng cao miễn dịch, và phòng chống dịch bệnh. Trong đó chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ, thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh.
“Nguyên tắc dinh dưỡng giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, từ đó phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, một số người còn bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng, khiến cho tổng năng lượng qua bữa ăn hằng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh”, TS.BS Nguyễn Thanh Hà chia sẻ. Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hằng ngày, ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong 3 bữa chính, cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy). Bởi đạm có vai trò rất quan trọng, giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. “Có thể hình dung khi ta muốn dán cái phong bì thì cần hồ dán, cơ thể cũng vậy - cần một loại “hồ dán” đặc biệt giúp làm lành vết thương, đó chính là chất đạm. Chất đạm còn cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể được ví như những “binh lính” trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể”, TS.BS Nguyễn Thanh Hà giải thích.Bên cạnh đó, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hằng ngày. Bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin A và omega-3 (như cá và các loại hải sản) vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hằng ngày. Ngoài ra các loại hải sản còn là nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm có tác dụng phòng bệnh nhiễm trùng đặc biệt là viêm phổi ở người cao tuổi. Do vậy, TS.BS Hà khuyên, người dân nên ăn nhiều hơn thực phẩm giàu Vitamin A và Caroten có nguồn gốc động vật, thực vật (gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải/xúp lơ...). Bổ sung nhiều hơn các loại rau xanh và hoa quả nhiều vitamin C (cam, bưởi, ổi...), các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm (đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt heo, thịt bò, hàu, sò...) và những thực phẩm nhiều Selen (trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt heo bò...).
Bổ sung các vi chất và uống nước đúng cách
TS.BS Nguyễn Thanh Hà khuyên người dân nên tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh, và các loại rau thơm nhiều hóa thực vật và tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô...) trong các bữa ăn hằng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Có thể uống viên tinh dầu tỏi hoặc 1-2 nhánh tỏi tươi, nước gừng ấm, nước chanh sả ấm. Bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng đặc trị tăng cường sức khỏe giàu năng lượng và đạm. “Những người cao tuổi, trẻ nhỏ, những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng nên bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm, ví dụ sữa nước hoặc sữa bột tùy theo độ tuổi và bệnh lý nếu có. Mỗi ngày bổ sung không quá 500 calo, tương đương 2 cốc sữa. Bổ sung các loại vitamin tổng hợp, khoáng chất và dầu cá. Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất trên. Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung thuốc đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se). Đây là các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trong giai đoạn dịch Covid-19”, TS.BS Hà cho biết. Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hà, bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng và uống nhiều nước giúp cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và giúp cơ thể không bị thiếu nước, giúp dự phòng nhiễm cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục. Bác sĩ Hà cho biết, không nên để miệng và cổ khô, cần uống nước (tốt nhất là nước ấm) từng ngụm nhỏ, uống chậm, uống nhiều lần trong ngày, uống ngay cả khi không khát, đảm bảo mỗi ngày uống không dưới 1.500ml nước ấm. Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Hạn chế bia, rượu, cà phê vì có tác dụng lợi tiểu làm tăng tốc độ mất nước qua thận. “Một số đối tượng như trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát. Không ăn kiêng, hãy ăn đa dạng nhiều thực phẩm. Trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm này cần ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến đồ ăn. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng đưa vào bữa ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị. Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt. Bởi những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cơ thể cần cho hệ miễn dịch”, TS.BS Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo./.