Ngoài việc chăm sóc theo lời khuyên của bác sĩ, các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho con để trẻ có sức đề kháng tốt nhất giúp mau khỏi bệnh.
Thời điểm trẻ dễ mắc bệnh
Theo các chuyên gia y tế, vào thời điểm tháng 4, 5 và tháng 10 là cao điểm trẻ em dễ mắc bệnh tay chân miệng. Vì vậy, ngoài việc nhận biết các dấu hiệu, đưa trẻ đi khám bệnh viện, các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho con để trẻ có sức đề kháng tốt nhất giúp mau khỏi bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin cho biết trên VnExpress: Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente'virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Đây cũng là độ tuổi trẻ tập trung ở các nhà trẻ, mẫu giáo khiến căn bệnh có điều kiện lây lan mạnh. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước có kích thước nhỏ từ 2 đến 3mm nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét đau rát làm bệnh nhi khó ăn uống. Chúng thường tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhi có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh.
Trẻ nên và không nên ăn gì khi mắc bệnh?
Khi đã phát hiện những biểu hiện mắc bệnh của con thì việc đầu tiên mẹ nên làm là hãy đưa con đến bệnh viện gặp bác sỹ để xin tư vấn, nếu nhẹ có thể đưa con về tự chăm sóc tại nhà. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hoa, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hướng dẫn các mẹ cách cho con ăn uống trong thời gian trẻ mắc bệnh như sau:
Nên:
- Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích.
- Ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo, súp, bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng.
- Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Thức ăn nên thật nguội, thậm chí có thể làm mát cho dễ ăn. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ sữa chua hay một ly sữa mát.
- Khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ sữa chua hoặc một ly nước trái cây lạnh.
- Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 – 4 giờ. Sau đó mới cho ăn bữa khác.
- Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất và cả kẽm theo chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ ăn đủ bữa (3 –5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau), ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.
- Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.
Không nên:
- Thời gian trẻ bị bệnh ngắn (khoảng từ 5 - 10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá, vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh.
- Cũng không ép trẻ ăn nhiều một lúc vì sẽ gây cảm giác khó chịu. Với trẻ nhỏ ép ăn sẽ khiến cho trẻ khóc và gây mệt mỏi.
- Tuyệt đối không cho trẻ ăn những thức ăn cứng, sống, mất vệ sinh.
- Không cho trẻ ăn thức ăn nóng sẽ làm trẻ đau không nuốt được.
- Không kiêng khem thực phẩm gì khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) và cho trẻ quay trở lại chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi.
Những lưu ý khác khi trẻ mắc bệnh
Không để trẻ tiếp xúc với các trẻ khác
Không cho trẻ dùng chung đồ ăn, đồ chơi
Không dùng muỗng, thìa có cạnh sắc
Không kiêng gió, kiêng tắm
Không ủ trẻ quá kĩ
Không lạm dụng truyền nước
Vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách
Tùng Anh (th)