Suy dinh dưỡng do thiếu protein-năng lượng (thường được gọi là suy dinh dưỡng - SDD) là một tình trạng bệnh lý xẩy ra khi chế độ ăn nghèo chất đạm - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện ở nhiều mức độ, nhưng đều có ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, vận động của trẻ.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng
- Do ăn uống: trẻ không được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng. Do sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng như cho trẻ ăn bột quá sớm trước 6 tháng tuổi, chủ yếu là bột đường, bột mắm muối mì chính hoặc trẻ phải cai sữa quá sớm dưới 12 tháng tuổi. Cho con ăn kiêng khi trẻ bị tiêu chảy đặc biệt là kiêng mỡ, do đó làm giảm nguồn năng lượng cung cấp cho trẻ.
- Do nhiễm khuẩn: trẻ dưới 3 tuổi rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, sởi, tiêu chảy... Hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn làm cho trẻ kém ăn, ăn thiếu số lượng và chất lượng nên dẫn đến suy dinh dưỡng ngược lại trẻ suy dinh dưỡng thường suy giảm miễn dịch, rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Những trẻ có nguy cơ dễ bị suy dinh dưỡng
- Trẻ em từ 7-18 tháng tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất vì lứa tuổi này trẻ bắt đầu ăn bổ sung và giảm dần bú mẹ.
- Trẻ đẻ ra thấp cân (dưới 2500g).
- Trẻ không được bú sữa mẹ trong năm đầu tiên.
- Trẻ thường xuyên bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, di chứng thần kinh.
- Trẻ sống trong gia đình đông con, kinh tế eo hẹp.
Cách phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng:
Cách phát hiện sớm trẻ bị suy dinh dưỡng là dựa vào các chỉ số nhân trắc như cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay. Đơn giản nhất là dựa vào cân nặng theo tuổi trên biểu đồ phát triển của trẻ dưới 5 tuổi.
Theo dõi biểu đồ phát triển thường xuyên cho thấy:
- Trẻ bình thường: Trên biểu đồ, cân nặng của trẻ nằm trong kênh A, đường biểu diễn cân nặng luôn đi lên; cân nặng đạt 80-100% so với cân nặng của trẻ bình thường.
- Suy dinh dưỡng vừa: Trên biểu đồ, cân nặng của trẻ nằm trong kênh B vì chỉ còn 70-80% so với cân nặng của trẻ bình thường; đường biểu diễn cân nặng trong hai tháng liền nằm ngang hoặc đi xuống; lớp mỡ dưới da ở bụng mỏng. Trẻ vẫn thèm ăn và chưa có biểu hiện rối loạn tiêu hoá.
- Suy dinh dưỡng nặng: Trên biểu đồ, cân nặng nằm trong kênh C vì cân nặng chỉ còn 60-70%; đường biểu diễn cân nặng trong hai tháng liền nằm ngang hoặc đi xuống; mất lớp mỡ dưới da ở bụng, mông. Trẻ có thể biếng ăn, ỉa phân sống hoặc lỏng từng đợt.
- Suy dinh dưỡng rất nặng: Trên biểu đồ, cân nặng của trẻ rơi xuống kênh D.
Suy dinh dưỡng rất nặng gồm 3 thể sau:
- Thể teo đét (Marasmus): cân nặng chỉ còn dưới 60%, trẻ gầy đét da bọc xương, do bị đói/thiếu năng lượng là chủ yếu nên trẻ vẫn thèm ăn.
- Thể phù (Kwashiorkor): đây là thể suy dinh dưỡng do thiếu protein trầm trọng do không được bú sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý (nhất là vào lứa tuổi ăn bổ sung) dẫn đến phù toàn thân hoặc 2 chi, nên có nhiều trường hợp cân nặng của trẻ không giảm, trên da có thể xuất hiện các mảng sắc tố màu nâu và lở loét, trẻ mất cảm giác thèm ăn nên rất biếng ăn.
- Thể phối hợp (Marasmus - Kwashiorkor): trẻ bị thiếu cả năng lượng và protein trầm trọng, trẻ gầy yếu và phù 2 chi.
Trẻ suy dinh dưỡng thường bị thiếu máu, thiếu vitamin đặc biệt là vitamin A gây khô mắt và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng?
- Suy dinh dưỡng là bệnh có thể điều trị khỏi nhưng cần phát hiện sớm xử trí kịp thời. Suy dinh dưỡng vừa và nặng có thể điều trị tại nhà, điều chỉnh cách ăn uống và chăm sóc cho trẻ. Suy dinh dưỡng rất nặng, nhất là khi trẻ bị nhiễm khuẩn cần được khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
- Trẻ suy dinh dưỡng thường kém ăn, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Nếu trẻ đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú, bú kéo dài đến 2 năm. Tuỳ theo lứa tuổi cho trẻ ăn thêm bột cháo, nhưng phải quấy lẫn với thịt hoặc trứng, đậu đỗ, dầu mỡ và các loại rau, ăn thêm hoa quả giàu vitamin A.
- Không cai sữa, không ăn kiêng mỡ khi trẻ vừa suy dinh dưỡng vừa tiêu chảy. Cho trẻ uống thêm các loại vitamin (đa sinh tố).
- Trẻ suy dinh dưỡng vừa và nặng nếu không có biểu hiện khô mắt cho uống vitamin A liều cao để phòng bệnh, chỉ dùng 1 liều duy nhất trong 6 tháng như sau:
-
- Trẻ dưới 6 tháng 50.000 đơn vị
- Trẻ từ 6 tháng- 1 tuổi 100.000 đơn vị
- Trẻ trên 1 tuổi 200.000 đơn vị
Ngoài ra cần theo dõi phát hiện các bệnh nhiễm khuẩn thông thường như tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp để xử trí ngay. Trẻ bị suy dinh dưỡng rất nặng phải được điều trị tại các cơ sở y tế.
Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ để phòng bệnh suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là một bệnh có thể phòng tránh được, nếu bà mẹ có kiến thức nuôi con theo khoa học.
Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ: trong thời gian mang thai bà mẹ cần ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường, lao động nhẹ nhàng đồng thời theo dõi tăng cân từng quý, trong 9 tháng mang thai cân nặng tăng trung bình 10 -12 kg. Thực hiện khám thai định kỳ ít nhất 3 lần, tiêm phòng uốn ván, nghỉ ngơi trước đẻ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để mẹ tròn con vuông.
Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý: cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú càng sớm càng tốt, cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến 24 tháng.
Từ tháng thứ 7 trở lên ngoài bú mẹ cho ăn bổ sung hợp lý, thực hiện tô màu bát bột.
Khi trẻ ốm không được kiêng khem quá mức, cho trẻ ăn nhiều bữa hơn bình thường, thức ăn dễ tiêu hoá và đủ các chất dinh dưỡng.
Theo dõi biểu đồ tăng trưởng: trong 2 năm đầu mỗi tháng cân trẻ một lần và ghi vào biểu đồ kết quả cân nặng. Trẻ từ 3-5 tuổi thì 2-3 tháng cân một lần. Như trên đã nói, trong 2 tháng liền nếu thấy cân nặng của trẻ không tăng hoặc sụt cân là dấu hiệu sớm để phát hiện suy dinh dưỡng.
Tiêm chủng: tiêm chủng phải thực hiện ngay trong năm đầu chủ yếu là 6 loại vaccin (lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi). Tiêm chủng đầy đủ và đúng kỳ hạn.
Kế hoạch hoá gia đình: mỗi bà mẹ chỉ nên đẻ 1 hoặc 2 con cách nhau 3-5 năm.