1. Khái niệm
Tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, người ta chia tiêu chảy ra tiêu chảy cấp nếu tình trạng tiêu chảy chỉ kéo dài trong một vài ngày và tiêu chảy kéo dài nếu tình trạng tiêu chảy diễn ra liên tục trong khoảng thời gian hơn 14 ngày.
2. Hậu quả của bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Trẻ em bị tiêu chảy thường dẫn đến các hậu quả đó là mất nước, rối loạn các chất điện giải trong cơ thể, nhiễm trùng nhiễm độc, và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Ở các nước đang phát triển, vòng xoắn bệnh lý bao gồm tiêu chảy kéo dài, kém hấp thu, biếng ăn và suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
3. Dinh dưỡng điều trị: Chúng ta cần làm gì khi trẻ bị tiêu chảy
Điều trị trong tiêu chảy cấp bao gồm bồi phụ nước và điện giải bằng dung dịch Oresol (ORS) và tiếp tục cho trẻ ăn. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, bồi phụ nước và điện giải bằng dung dịch ORS sớm qua đường miệng là một biện pháp điều trị hiệu quả.
Điều trị tiêu chảy cấp bằng chế độ ăn cần căn cứ vào độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng và tiền sử bệnh của bệnh của trẻ. Trẻ cần được tiếp tục cho bú theo nhu cầu. Các loại sữa bột dành cho trẻ vẫn có thể sử dụng và không nhất thiết phải sử dụng các loại sữa không chứa đường lactose. Có thể cho trẻ uống sữa đậu nành hay sữa thủy phân protein tuy nhiên những loại sữa này không có thêm tác dụng nào trong điều trị tiêu chảy cấp.
Một điểm đáng lưu ý là không cần phải pha loãng sữa hay cho trẻ ăn ít một. Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc thì vẫn nên cho trẻ ăn theo chế độ ăn như cũ nhưng nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng đường đơn cao như nước giải khát có ga, nước ép trái cây và các món tráng miệng có thành phần gelatin vì các loại thực phẩm này có thể khiến cho trẻ bị tiêu chảy nặng hơn. Mặc dù trẻ có thể kém hấp thu một số thực phẩm có chứa chất béo, vẫn nên duy trì chế độ ăn có hàm lượng chất béo ở mức vừa phải để cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ. Hầu hết trẻ khi bị tiêu chảy cấp vẫn có thể uống được các loại sữa bò nguyên chất và sữa bò công thức. Một số trẻ, tuy không nhiều, khi có biểu hiện lâm sàng không dung nạp đường lactose và lượng phân thải ra nhiều hơn sau khi dùng sữa cần có chế độ ăn không chứa đường lactose. Những chế độ ăn được qui định chặt chẽ, ví dụ như chế độ ăn BRAT ( bao gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng) không mang lại bất cứ lợi ích gì trong việc điều trị tiêu chảy cấp thậm chí còn làm cho tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị kém hơn.
Bổ sung kẽm là biện pháp điều trị và dự phòng hiệu quả các bệnh tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ bị suy dinh dưỡng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy bổ sung kẽm làm giảm tần suất mắc và mức độ nặng của bệnh tiêu chảy ở trẻ em.
Với trường hợp không bị mất nước cần thực hiện chế độ ăn đều đặn theo từng độ tuổi khác nhau
- Với trẻ sơ sinh cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống loại sữa bột có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết dành cho trẻ sơ sinh;
- Đối với trẻ lớn hơn thì cần bổ sung các loại cacbonhydrate tổng hợp, nước ép trái cây tươi, rau củ quả, thịt nạc.
Với trẻ mất nước nhẹ cần bổ sung dinh dưỡng như đối với trẻ không bị mất nước. Trong trường hợp trẻ bị mất nước nặng ngoài việc áp dụng chế độ ăn như trường hợp mất nước nhẹ, cần chú ý nếu trẻ có tiền sử bị mất nước nặng trẻ có thể mắc chứng không dung nạp lactose khi phục hồi.
Lợi khuẩn probitotics đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng và điều trị tiêu chảy cấp. Lợi khuẩn giúp giảm một cách hiệu quả thời gian tiêu chảy cũng như giảm lượng phân đào thải ra ngoài. Đối với sơ sinh và trẻ nhỏ khỏe mạnh bị tiêu chảy thứ phát do viêm dạ dày ruột do virut hoặc vi khuẩn thì cần phải bổ sung lợi khuẩn sớm để điều trị tiêu chảy.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của việc dùng các loại men vi sinh Lactobacillus reuteri và Saccharomyces boulardii. Tuy nhiên, cần chú ý đến vấn đề an toàn khi sử dụng các loại lợi khuẩn probiotics đối với trẻ mắc bệnh mãn tính cũng như bị rối loạn miễn dịch.
Bên cạnh các biện pháp bù nước, can thiệp vào chế độ dinh dưỡng, bổ sung kẽm, dùng cái loại lợi khuẩn để điều trị tiêu chảy, các trung tâm dinh dưỡng và sức khỏe còn tiến hành điều trị nhiễm trùng, nhiễm toan và mất nước, bổ sung các chất dinh dưỡng theo đường tiêu hóa, và cải thiện tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.