Tết mang niềm vui đến cho các bé khi được chờ đợi đón nhận phong bao lì xì từ người lớn và được thỏa sức nô đùa, làm những điều mình thích. Song, đi kèm với đó lại là nỗi lo của không ít ông bố bà mẹ khi mà Tết cũng là khoảng thời gian nếp sống của bé bị xáo trộn, chế độ ăn uống thất thường, thiếu khoa học. Và vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ con một cách an toàn và hiệu quả trước các mối nguy hại về các bệnh lý thường gặp ngày Tết. Cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để đi tìm câu trả lời nhé.
Tại sao sức khỏe của trẻ lại có dấu hiệu suy yếu sau mỗi dịp Tết?
Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu kém do chưa hoàn thiện là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Cộng với tác động của môi trường bên ngoài, sự thay đổi đột ngột của thời tiết và khí hậu khiến nhiều tác nhân gây bệnh bùng phát và tấn công cơ thể của bé.
Chúng ta có thể nhận thấy rõ rệt sự biến động ấy vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, thời điểm giao mùa đông – xuân. Đây là khoảng thời gian thời tiết đột ngột trở lạnh, nhiệt độ trong ngày thay đổi, chênh lệch nhiệt độ cao, rất dễ gây nên các bệnh lý về đường hô hấp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển và lây lan. Ngoài ra, có thể gặp ở một số trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch là nguy cơ khiến bệnh lý đường hô hấp phát triển mạnh hơn.
Thêm vào đó, trong thời gian này, miền Bắc đang bước vào giai đoạn thời tiết đặc trưng của mùa xuân, đó là nồm ẩm, thời tiết lạnh, mưa phùn, độ ẩm không khí cao. Thời tiết này khiến các vật dụng dễ bị nấm mốc, hỏng hóc, gây cảm giác khó chịu. Đồng thời, đây còn là môi trường thuận lợi cho vi-rút, vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc phát triển, làm tăng nguy cơ gây các bệnh giao mùa xuất hiện ở trẻ nhỏ như cúm, sởi, thủy đậu, rubela, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Bên cạnh đó, Tết còn là mùa của các bệnh về da, viêm kết mạc mùa xuân, hay các bệnh do dị ứng phấn hoa….
Hơn nữa, ngày Tết, trẻ được ăn uống tự do, sinh hoạt không có nề nếp, trẻ được đi chơi, ra ngoài nhiều, tiếp xúc với nhiều môi trường ô nhiễm trong khi việc bảo quản thức ăn ngày Tết không đảm bảo đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm phát sinh nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em trong dịp này. Cùng với đó việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều thực phẩm và chất độc hại trong khi chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Việc hiểu rõ nguyên nhân gây ra các bệnh thường gặp ở trẻ em lúc giao mùa, làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bé vào mỗi dịp Tết là điều kiện tiên quyết để các bậc phụ huynh có thể nhận biết và phân loại được những bệnh lý thường gặp để từ đó có biện pháp chăm sóc con yêu đúng cách và cùng bé đón một cái Tết an lành, trọn vẹn.
Bệnh lý thường gặp ở trẻ ngày Tết và cách xử trí
Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là một trong những bệnh lý phổ biến và thường gặp nhất ở trẻ em khi giao mùa Đông Xuân. Có 2 loại là tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota.
Bệnh tiêu chảy cấp có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa Đông Xuân, dịp Tết đến xuân về, thời điểm mà các gia đình chọn mua rất nhiều loại thực phẩm để dự trữ trong dài ngày và phục vụ cho các bữa sum họp tất niên. Vì vậy, thực đơn ăn uống của các gia đình cũng thay đổi theo, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong khi đó các thực phẩm thường lưu cữu lâu ngày trong tủ lạnh lại không đảm bảo vệ sinh. Do đó, khi chế biến và cho trẻ dùng bữa với quá nhiều các loại thịt để qua đêm cộng với việc bé được thỏa sức thưởng thức các loại nước uống có gas, thức ăn nhanh mà không ăn rau quả có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị trướng bụng, đau bụng, đầy bụng do mắc một số bệnh về đường tiêu hóa trong đó có tiêu chảy cấp.
Cụ thể với bệnh tiêu chảy cấp, cha mẹ có thể phát hiện bệnh khi thấy con có triệu chứng tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.
Để giải quyết căn bệnh này, trước tiên, cha mẹ cần lập tức ngừng cho bé ăn các loại thực phẩm nghi ngờ chứa mầm bệnh. Sau đó, bù nước cho trẻ bằng cách cho bé uống các loại dung dịch điện giải có sẵn trên thị trường như: ORS, Hydrite. Cho uống thuốc hạ nhiệt nếu trẻ sốt cao. Với trẻ sơ sinh thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn dặm. Chú ý đảm bảo cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng về lượng và chất với chất đạm, chất béo và các vitamin. Hay cũng có thể kết hợp điều trị bằng lá hoắc hương, lá tía tô, lá ổi... Đặc biệt, không nên cho bé ăn các thức ăn mang tính tanh, lạnh, đồng thời phải giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng bụng.
Cảm cúm
Những ngày trước, trong và sau Tết trẻ thường chơi tự do, sinh hoạt bị đảo lộn nên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ thống miễn dịch. Đồng thời, nhiều gia đình bận rộn với việc lo Tết mà quên chăm sóc sức khỏe cho bé, để trẻ chơi quá sức, mệt mỏi. Trong khi ở miền Nam, cha mẹ trẻ chơi quá nhiều, đặc biệt là tiếp xúc với nước nhiều như chơi như bể bơi cho bé quá lâu, gây tình trạng nhiễm lạnh, thì ở miền Bắc ngoài việc trẻ nghịch nước lạnh, việc mặc quần áo không đủ ấm gây nên tình trạng cảm cúm.
Bệnh được gây ra do các siêu vi trùng cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau. Bệnh thường gặp nhiều ở mùa lạnh, trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu và dễ lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh cúm ở trẻ em rất thường gặp trong dịp Tết khi tiết trời trở lạnh. Khả năng trẻ em bị nhiễm bệnh chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm.
Triệu chứng ban đầu của bệnh là ngứa họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bị cảm lạnh, trẻ hay khò khè, sổ mũi, nước mũi có thể chuyển từ dạng lỏng có màu trong sang đặc hơn màu vàng hoặc xanh. Với cảm lạnh thông thường, trẻ sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Khi trẻ có những triệu chứng nặng hơn như ho đờm, thở gấp, sốt cao kéo dài, đau tai…
Để điều trị bệnh cúm cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo giữ ấm cho bé, chú ý giữ gìn vệ sinh, nhất là sau khi trẻ hỉ mũi. Bạn có thể cho trẻ ăn bình thường, bổ sung dinh dưỡng đẩy đủ cho trẻ, đặc biệt là các thực phẩm dễ tiêu, chứa nhiều chất khoáng và vitamin: súp, trái cây… và cho trẻ uống nhiều nước để tăng cường kháng thể. Đồng thời, tránh các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Cùng với đó là việc cho trẻ nằm nghỉ ngơi, tránh cách hoạt động thể chất quá mạnh. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ uống một số thuốc kháng dị ứng thông thường như: Chlopheniramine, Polaramin với liều thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Ngộ độc thức ăn
Tết là khoảng thời gian trẻ sẽ có nhiều khả năng ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn, dễ dẫn đến tình trạng bị ngộ độc thức ăn. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ vào mỗi dịp Tết. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện trong khoảng 1-6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.
Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn thì trẻ có những biểu hiện như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy xuất hiện sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ, trẻ nôn liên tục hoặc nhiều lần trong ngày. Tùy theo mức độ ngộ độc mà các triệu chứng nôn ói hay tiêu chảy diễn ra nhiều hay ít mà bạn nên có cách chăm sóc phù hợp. Chăm sóc trẻ đúng cách sẽ làm giảm đi tình trạng bệnh của trẻ và ngăn ngừa các biến chứng.
Theo đó, đối với trẻ còn bú mẹ, bạn nên cho trẻ bú ít hơn bình thường, sau 8 giờ nếu trẻ không ói nữa mới cho bú lại. Còn với trẻ lớn hơn thì nên cho ăn cháo, cơm , bánh mì, súp để giúp hệ tiêu hóa mau hồi phục và men tiêu hóa hoạt động lại bình thường. Cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do tiêu chảy, cho trẻ uống nước biển khô, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.
Cha mẹ cần kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, không cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt hoặc ăn nhiều các thức ăn nhiều chất béo như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, đồ ăn nguội. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là nên giữ thức ăn lạnh nhưng không nên giữ quá 2 ngày. Hâm nóng lại thức ăn trước khi ăn và cho trẻ rửa tay trước khi ăn.
Nên nhớ tuyệt đối không xử dụng thuốc chống nôn cho trẻ vì nôn là phản xạ cơ thể để trẻ đẩy hết thức ăn nhiếu độc, nhiễm khuẩn ra ngoài cơ thể, giảm tình trạng ngộ độc. Nếu bạn giữ không cho trẻ nôn sẽ khiến cho tình trạng nhiễm độc nặng hơn và gây ra những nguy hiểm cho trẻ.
Tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh dễ lây khi trẻ đến vui chơi ở những nơi công cộng, nhất là những khu vui chơi đông đúc trong ngày Tết. Bệnh có thể lây qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn. Đây là một loại bệnh do virus gây ra. Thời tiết nồm ẩm khi giao mùa, cộng với thời điểm mới ra Tết, chế độ ăn có sự thay đổi thất thường trong Tết rất dễ khiến bùng phát dịch tay chân miệng.
Các triệu chứng bệnh bao gồm sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, hay khóc, bỏ bú và biếng ăn hơn, miệng có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi, kèm theo các vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nhưng bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Hiện nay chưa có vắc xin và chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nhưng nếu chăm sóc đúng cách thì bệnh sẽ không gây ra các biến chứng nghiêm trọng và bé sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Cách tốt nhất là cha mẹ nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, đeo khẩu trang, không cho trẻ ngậm mút ngón tay, không cho trẻ ngậm núm vú giả, cắt móng tay gọn gàng, tắm gội thường xuyên cho bé bị tay chân miệng, lưu ý nên chọn phòng kín gió. Khi tắm, cha mẹ nên chọn loại xà bông diệt khuẩn dành cho làn da nhạy cảm của bé. Cùng với đó, khi tắm nên cố gắng tránh để nước không chạm vào các nốt mụn khiến chúng bị vỡ ra. Không nên tắm nước lá bởi dễ gây bội nhiễm cho trẻ mắc bệnh. Bổ sung cho trẻ vitamin C qua nước uống cam, chanh, kiwi...
Chú ý thời gian này không cho trẻ sinh hoạt tập thể, không đi bơi, không đi nhà trẻ để tránh lây nhiễm bệnh cho các trẻ khác. Đối với trẻ còn bú thì cần chú ý vệ sinh núm vú, có thể tăng số lần bú trong ngày vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều. Đặc biệt, mẹ cần nhớ rằng không châm chích vào các mụn nước vì có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng.
Khi nào phải đưa trẻ đi cấp cứu tại bệnh viện?
Trong trường hợp cha mẹ đã chăm sóc và điều trị đúng cách sau khoảng 3-5 ngày mà không thấy dấu hiệu bệnh ở trẻ thuyên giảm, thậm chí bệnh còn có biểu hiện nặng hơn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sỹ chuyên khoa khám, tư vấn và đưa ra biện pháp điều trị chính xác nhất.
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi có những dấu hiệu bệnh như: trẻ tím tái, khó thở, thở rít, sốt cao có nguy cơ co giật, có dấu hiệu mất nước, xuất huyết…hay trường hợp trẻ tiêu chảy kèm theo sốt, bỏ ăn hoặc bụng trướng cũng cần đưa trẻ đi khám. Đặc biệt, nếu một đứa trẻ đang chơi bỗng nhiên nôn nhiều, bỏ ăn cần đưa ngay bé đến viện để được khám và cấp cứu kịp thời.
Cách bảo vệ bé yêu khỏe mạnh ngày Tết
Duy trì chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng
Những bữa cơm tất niên được các mẹ chuẩn bị tươm tất với đa dạng các món ăn không khỏi hấp dẫn và kích thích vị giác của các bé. Nhưng đừng quên chăm sóc bữa ăn cho bé yêu với những thực phẩm an toàn và đầy đủ dưỡng chất có lợi cho sức khỏe của con mẹ nhé. Cơ thể của trẻ đang phát triển nên trong những ngày Tết cũng giống như các ngày khác trong năm cần phải đảm bảo một chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ.
Cho trẻ ăn thức ăn hợp vệ sinh, chọn thức ăn được chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm, ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn đồ tái, sống, ăn bằng tay. Cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên cho ăn thêm hoa quả, rau xanh, tránh ăn nhiều chất béo.
Mẹ cần chú ý thực đơn cho bé cần đa dạng và đảm bảo đủ 3 nhóm thức ăn chính:
- Nhóm thức ăn vận động: giúp cung cấp năng lượng cho bé vui đùa thoải mái như chất bột đường, dầu mỡ…
- Nhóm thức ăn xây dựng: giúp cơ thể phát triển và tăng cường sức đề kháng như thịt, cá, tôm..
- Nhóm thức ăn bảo vệ: để cung cấp vitamin và khoáng chất như các loại củ, ngũ cốc, trái cây, trứng…
Như thế, trong suốt thời gian nghỉ Tết, các bé sẽ duy trì được sự phát triển cân nặng và chiều cao đúng tiêu chuẩn.
Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên cho bé rửa tay với xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi, họng hàng ngày. Ngày Tết, con sẽ tiếp xúc với đồ ăn nhiều hơn thường nhật. Cha mẹ hãy tạo cho con thói quen đánh răng hai hai lần/ngày kết hợp với rửa tay trước mỗi lần cầm nắm đồ ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đồng thời, bạn cũng cần đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Tạo môi trường sống lành mạnh cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho bé yêu. Các gia đình nên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển.
Hạn chế cho bé ăn uống đồ ngọt
Tết là lúc trẻ có dịp ăn nhiều bánh kẹo hơn bình thường, từ bánh kẹo ở nhà đến bánh kẹo khi đến chơi thăm hỏi họ hàng. Nếu như cha mẹ lơ là, cho qua việc kiểm soát đồ ngọt, nó sẽ khiến hàm răng của trẻ bị tổn hại và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bé, dù chỉ trong mấy ngày Tết.
Các thực phẩm chứa nhiều đường không những gây ra các vấn đề về răng miệng mà còn gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý thường gặp khác nên cha mẹ cần giúp con có chế độ ăn hợp lý, hạn chế đồ uống có ga, bánh kẹo hay đồ ăn vặt…
Duy trì giờ giấc sinh hoạt
Ngày Tết bé có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hơn ngày thường nên giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn theo. Bé vui sướng, háo hức với những cuộc vui và miệt mài chuẩn bị cho kế hoạch đón Tết của riêng mình mà bỏ quên cả giấc ngủ, không những không ngủ trưa mà còn ngủ ít đi vào ban đêm. Điều này vô cùng có hại cho sức khỏe của trẻ. Cơ thể trẻ còn non yếu, trẻ cần ngủ đủ giấc thì mới dần hoàn thiện được các chức năng trong cơ thể.
Vì vậy, hãy cho các bé lên giường đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya để chơi, để xem tivi và đánh thức bé dậy sớm để tập thể dục và ăn sáng đầy đủ. Có như vậy bé mới khỏe mạnh và mau lớn, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Giữ ấm cho trẻ
Để phòng tránh các bệnh nói chung, cũng như bệnh hô hấp cho trẻ trong dịp Tết, bên cạnh các biện pháp trên, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cơ thể cho bé nhưng không để cho trẻ nóng quá, cũng như không để trẻ bị nhiễm lạnh.
Dịp Tết trời lạnh nên cha mẹ thường mặc cho trẻ nhiều quần áo dày để giữ ấm nhưng đến buổi trưa khi trời hửng nắng, nhiệt độ tăng cao, trẻ nô đùa ra nhiều mồ hôi, rồi ngấm ngược vào quần áo sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh. Vì thế, vào những ngày thời tiết lúc nóng lúc lạnh, cha mẹ nên kiểm tra thường xuyên thân nhiệt của con để xem bé có bị nóng quá không, để lấy khăn lau lưng cho trẻ hoặc thay áo để tránh bị cảm.
Các mẹ cũng cần giữ ấm bụng cho trẻ. Trẻ bị lạnh bụng dễ gây đau bụng, bị tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác. Thêm vào đó, cha mẹ cần cho trẻ đi tất, giày ấm, giữ ấm bàn chân trẻ vì đây là nơi nhạy cảm với môi trường, khi bị lạnh, dễ bị bệnh hô hấp, suy giảm sức khỏe. Trước khi đi ngủ, bạn, nên rửa sạch và ngâm chân trẻ trong nước ấm, rồi lau hoặc sấy khô để trẻ có giấc ngủ ngon và sâu, nạp năng lượng cho ngày mới hoạt động hiệu quả.
Với cách chăm sóc sức khỏe cho bé trong ngày Tết an toàn hiệu quả trên đây, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có thể bảo vệ bé yêu luôn khỏe mạnh và cùng chào đón một năm mới ấm áp, hạnh phúc.