Phần lớn trẻ ở lứa tuổi mầm non đều có sự miễn cưỡng khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ. Lần đầu tiên bé đi học không phải là chuyện đơn giản đi từ nhà đến trường. Nếu phụ huynh không có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, trẻ rất dễ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này.
Hầu hết phụ huynh tỏ ra lo lắng, không tin tưởng vào nhà trường như: không biết cô giáo có thương yêu con mình không, có cho bé ăn uống đầy đủ không, bé khóc cô giáo có dỗ không... Có phụ huynh còn òa khóc khi để con lại trường, có chị vừa nhìn con lưu luyến vừa lau nước mắt. Các nhà tâm lý đã kết luận: lần đầu tiên đi học, đa số sự sợ hãi của trẻ đều bắt nguồn từ tâm lý bất ổn của cha mẹ mình. Cha mẹ hãy tự tin có tâm lý thoải máiđể tạo tâm lý tốt cho con.
(Hình ảnh buổi thứ 2 nhận lớp của các bé B5, cô giáo cho các bé làm quen sân trường để tập thể dục buổi sáng)
Mỗi buổi sáng đưa trẻ đi học, nên dành ít thời gian trao đổi với cô giáo về tình hình ăn học của bé, nhưng tránh trò chuyện quá lâu. Thời gian đầu đi nhà trẻ, bố mẹ không nên đón trẻ muộn hơn các trẻ khác vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý bị cha mẹ bỏ rơi, hắt hủi.
Một điều cần lưu ý là phụ huynh nên dành thời gian để đưa đón con đi học trong những ngày đầu, đừng để người thiếu hiểu biết hoặc người mà bé không tin cậy đưa đi. Thời gian ở lại trường cứ tăng dần chứ không đột ngột để bé ở lại trường từ sáng đến chiều ngay trong ngày đi học đầu tiên.
Trước khi cho bé đi học vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện nhiều lần với bé, “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà bé sẽ đến học.
Trong quá trình nói chuyện hãy giải thích cho bé hiểu khi con đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì; rằng con chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều bố mẹ lại đón về nhà. Ngoài ra, người chăm sóc bé (có thể là ông bà, bố mẹ...) nên cho trẻ đến thăm và ở lại chơi trong khuôn viên trường để bé làm quen với không khí của trường mầm non.