Không ít trẻ mầm non vì quá được cưng chiều, cha mẹ làm thay hết mọi việc nên trẻ có thói quen ỷ lại và chỉ biết trông chờ người khác phục vụ. Thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ dẫn đến hệ lụy trẻ lười biếng, thụ động và khó khăn khi tham gia vào các hoạt động của tập thể. Tự phục vụ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng thúc đẩy trẻ hoàn thiện mình một cách tốt nhất và đây còn là cơ hội vàng giúp trẻ nhanh chóng khôn lớn và trưởng thành trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những đứa trẻ còn vụng về trong vấn đề này và nếu không hướng dẫn thì các cháu dễ trở thành người thụ động, thiếu kỹ năng làm việc và nguy hại hơn là để cho người khác phải phục vụ cho mình nhất là khi bước vào tuổi trưởng thành.
Tại trường mầm non Gia Thượng trong những năm học gần đây, một trong những nội dung chính của việc thực hiện đổi mới chương trình giảng dạy được đưa vào là dạy trẻ rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bản thân. Trong thời gian khi trẻ ở trường, ở lớp thì việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ không phải là những công việc quá to tát mà chỉ là những thao tác đơn giản như rửa mặt, đánh răng, rửa tay chân, lau miệng, mặc quần, mặc áo, lấy ghế, xếp bàn… Ngoài vệ sinh cá nhân các trẻ còn biết sắp xếp đồ dùng cá nhân như để dép ngay ngắn đúng nơi qui định, phơi khăn mặt đúng chỗ, lấy và cất cốc uống nước… Trong giờ học trẻ phải biết lựa chọn đồ chơi theo chủ đề, sau khi học xong trẻ sẽ biết sắp xếp đồ dùng theo đúng nơi qui định. Ngoài ra, với lứa tuổi mẫu giáo trẻ còn biết tự xúc cơm ăn, không để cơm rơi ra bàn, ăn hết xuất.
Bé tự xúc cơm trong giờ ăn
Ở lớp các cô để bé chủ động xúc ăn. Nhiều gia đình không có thói quen để bé chủ động với bữa ăn của mình. Lý do đưa ra là: bé ăn quá lâu mà mẹ thì phải làm nhiều việc khác, bé làm vung vãi đồ ăn ra sàn, bé chỉ ăn những thứ bé thích mà có khi 10 ngày vẫn thích mỗi một món, v.v..Quả có thế thực, nhưng nếu mẹ cầu toàn quá thì đến bao giờ bé mới được thay mẹ để tự chăm lo cho mình đây? Bé chưa được trải nghiệm chuyện ăn uống thì dĩ nhiên bé còn rất vụng. Hơn nữa, bé đang ở độ tuổi tò mò và mong muốn khám phá, bé cũng quan tâm đến sở thích của bé hơn là nhà sạch của mẹ... Vì vậy, mẹ hãy chấp nhận là bé đang HỌC ĂN, mà đã học thì ban đầu phải có sai, sai rồi sửa, cứ thế mà quy trình của bé được hoàn thiện dần.
Bé xúc cơm ăn rất ngon miệng
Bằng những việc làm thực tế, bằng những lời nói chỉ bảo âu yếm, tận tình các cô giáo luôn sâu sát với từng hành động của trẻ, giúp trẻ có thêm những kỹ năng cho bản thân. Nếu có được tâm lý sẵn sàng thì trẻ dễ dàng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống hơn và luôn biết làm chủ bản thân mình..
Bên cạnh đó, với việc làm “ mưa dầm thấm lâu” của các cô giáo đã không chỉ giúp trẻ biết cách tự phục vụ bản thân mà trẻ còn biết cách phục vụ người khác mà trước hết là ông bà cha mẹ trong gia đình mình. Trước khi đến trường phải biết lấy nón mũ, đi giày dép, mang ba lô; đến bữa ăn phải biết lấy chén đũa, lấy nước lấy tăm mời người lớn. Những việc làm này còn giúp trẻ có thêm niềm vui, mở rộng tình nhân ái nhanh chóng đẩy lùi tính ích kỷ và nhỏ nhen khi nào cũng chỉ biết chăm lo cho cá nhân mình mà thôi.
Cô hướng dẫn các bé xúc cơm
Việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với lứa tuổi mầm non. Đó là phương tiện không thể thiếu để giúp trẻ tích cực, chủ động, sáng tạo, tự tin vững vàng trước mọi khó khăn thử thách.