Phương pháp giáo dục STEAM ở trẻ Mầm non là tạo hứng khởi cho trẻ trong mỗi bài học, mỗi hoạt động, thí nghiệm được triển khai các bạn nhỏ sẽ nắm được quy trình thực hiện, thấy được sự thay đổi trạng thái, hình dáng, kích thước của sự vật hiện tượng… Với mầm non “học bằng chơi, chơi mà học” nên giáo dục STEAM là vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như học qua dự án – chủ đề, học thông qua “chơi” và đặc biệt phương pháp học qua thực hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp STEAM.
Ngay từ đầu năm học trường MN Gia Thượng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều buổi tập huấn, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn để tìm ra phương pháp giáo dục STEAM phù hợp với thực tế ở từng lớp. Phương pháp lựa chọn đó là dạy học theo dự án cho trẻ nghiên cứu sâu một đề tài cụ thể. Trong quá trình khám phá, trẻ được tự lên kế hoạch, tự thực hiện và điều hành các hoạt động trải nghiệm của chính mình, giáo viên chỉ có vai trò định hướng, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động. Dạy học theo dự án có mối liên hệ chặt với chương trình khung của Bộ GD&ĐT ở các mảng kiến thức và kỹ năng cần đạt trên trẻ ở từng độ tuổi. Dạy học dự án là một hình thức dạy học trong đó trẻ đóng vai trò trung tâm, dưới sự giúp đỡ của cô giáo, trẻ tự giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp nào đó cả về lý thuyết lẫn thực hành. Qua đó trẻ tạo ra được các sản phẩm của mình và có thể giới thiệu chúng với mọi người. Với phương pháp dạy học dự án, giáo viên không còn giữ vai trò chủ đạo mà là người hướng dẫn, giúp đỡ, tạo môi trường, tạo vai trò cho trẻ trong dự án. Theo đó, tính tự lực, tích cực tham gia vào các hoạt động của trẻ được nâng cao; đòi hỏi, khuyến khích và phát triển sự sáng tạo, tính trách nhiệm, kĩ năng làm việc nhóm và đặc biệt phát triển ở trẻ kỹ năng tư duy, giải quyết các vấn đề phức hợp.
Để thực hiện được giáo dục STEAM, Mầm non Gia Thượng đã thực hiện một cách khoa học. Từ việc thống nhất xây dựng kế hoạch đến việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đến kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ việc xây dựng môi trường trong, ngoài lớp học sao cho đúng với chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm” tạo điều kiện tốt nhất để cho trẻ thực hành, trải nghiệm, vui chơi, học tập ở mọi nơi, mọi lúc đến việc tổ chức các hoạt động sao cho hợp lý, đồng bộ. Từ việc thống nhất trong tổ, nhóm chuyên môn đến việc huy động sự kết hợp, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Tất cả các bước đều được các lớp thực hiện nghiêm túc và thực sự hiệu quả.
Học sinh chơi với những đồ chơi trẻ tự làm từ nguyên vật liệu sẵn có, huy động từ phụ huynh học sinh.
STEAM có thể đưa vào trong góc tạo hình, khám phá khoa học. Nếu làm một góc riêng thì phải đảm bảo tiêu chí sáng tạo, tò mò, hứng thú của trẻ. Lớp học rộng có thể sắp đặt khoảng không gian dành riêng cho việc chế tạo và trải nghiệm, sáng chế với tên gọi là góc khám phá khoa học, những khu vực này thường có giá kệ để trưng bày và cất giữ vật liệu và dụng cụ, nguồn điện và bàn học lớn có thể để sát với góc nghệ thuật. Nếu lớp học không đủ rộng để tạo một không gian sáng tạo riêng biệt có thể tạo tại 1 bàn học của trẻ. Sắp xếp gần góc tạo hình, lắp ráp để trẻ kết hợp sử dụng nguyên vật liệu. Hãy tạo không gian sáng tạo và không gian cất giữ vật liệu gần nhau để trẻ có thể lấy vật liệu dễ dàng. Điều quan trọng nhất là trẻ phải biết được nơi cất giữ vật liệu chúng cần để hoàn thành nhiệm vụ. Khi giáo viên quan sát trẻ thực hiện thử thách, có thể gợi ý và giúp trẻ sắp xếp các vật liệu theo hướng có lợi cho việc giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ để trưng bày. Trẻ em cần rất nhiều vật liệu có thể sử dụng lâu dài và các bộ phận rời rạc để phục vụ cho quá trình chế tạo, điều chỉnh và hoàn thiện. Hãy sắp xếp và trưng bày các vật liệu một cách bắt mắt hấp dẫn để trẻ có thêm động lực sử dụng trí tưởng tượng của mình để sáng chế dựa trên những vật liệu đó.
Góc chơi của lớp MGN trường Mầm non Gia Thượng
Ngoài sân vườn cũng thế, trường MN Gia Thượng chỉ đạo các lớp lấy trẻ làm trung tâm tận dụng môi trường xây dựng các góc chơi tạo hứng thú cho trẻ. Nó vừa là nơi vui chơi, vừa là nơi học tập, thực hành, trải nghiệm. Trên sân trường, hành lang các lớp có vô vàn các góc chơi. Trên sân trường các bé được vui chơi, trải nghiệm đủ các trò. Không chỉ có các trò chơi phát triển vận động với các đồ dùng được cấp phát tại góc Vận động mà trẻ được chơi biết bao nhiêu trò chơi hứng thú ở các góc chơi khác. Các bé được trải nghiệm đủ các ngành nghề, được làm bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ở góc Bác sĩ nhí; được sơn móng tay, gội đầu, trang điểm, mát xa tại góc Spa; được làm ông đồ tại góc Thư pháp; được vẽ trên giá thật khi tập làm Họa sĩ; được làm quen với sách, rèn ý thức đọc sách với góc Thư viện xanh; được tham gia giao thông ở góc chơi Giao thông, được làm các vận động viên đua xe ở Đường đua kỳ thú, được làm Cầu thủ bóng đá, bóng rổ trên các sân cỏ xanh, …
Hoạt động vui chơi của trẻ trường mầm non Gia Thượng
Góc Thiên nhiên, góc Khám phá (góc Khoa học), khu Vui chơi cát nước khơi dậy bao niềm đam mê, hứng thú, nuôi mầm tài năng sáng tạo cho tương lai. Chơi với cát, với nước, với sỏi thì trẻ không muốn về. Nó tạo nên thế giới lung linh muôn màu trẻ thơ với bao nhiêu ước mơ, hoài bão. Nơi đây các bé được trải nghiệm với vai người kỹ sư xây dựng xây những lâu dài bằng cát nguy nga, vai người họa sĩ vẽ trên cát, tô màu trên sỏi cuội, vai nhà khoa học với những thí nghiệm diệu kỳ, vai người dân chài đánh bắt cá, vai người nông dân trồng cấy, chăm sóc và thu hoạch
Trẻ chơi với cát
Trẻ chăm sóc vườn rau, quan sát sự phát triển của cây.
Với cách tiếp cận giáo dục STEAM như vậy, trường Mầm non Gia Thượng thực sự thành công trong việc đổi mới, sáng tạo. Đội ngũ quản lý làm việc khoa học, chủ động hơn. Giáo viên năng động, sáng tạo hơn. Học sinh được thực hành trải nghiệm, say mê, hoạt bát, nhanh nhẹn hơn. Cha mẹ học sinh thật sự vui mừng, phấn khởi nhìn thấy những thành quả mà còn mình làm ra, biết được hàng ngày con mình học những gì, làm những gì và đã có sự đồng hành, hợp tác với nhà trường. Trong năm học tới trường mầm non Gia Thượng sẽ làm tốt và làm tốt hơn nữa phương pháp giáo dục STEAM để học sinh mỗi ngày đến trường thực sự là những ngày vui./.