Mỗi năm, thế giới loài người lại "tặng" cho các đại dương vài triệu tấn rác thải nhựa. Số rác ấy theo dòng hải lưu đi khắp mọi nơi trên thế giới, thậm chí xuất hiện cả ở Nam Cực, và khiến cho các loài vật dưới lòng đại dương trở nên thật khổ sở. Bởi vậy, khoa học mới bảo rằng đại dương thực sự đang "mắc nghẹn" vì con người.
2 chữ "mắc nghẹn" là một khái niệm ẩn dụ, nhưng nó cũng đến từ thực tế. Và bạn sẽ hiểu được trọn vẹn cái thực tế ấy qua những gì được tìm thấy trong cổ họng của chú rùa xanh mới dạt vào bờ biển thuộc Cape Town (Nam Phi) thời gian gần đây.
Chú rùa xanh mới dạt vào bờ biển thuộc Cape Town (Nam Phi) thời gian gần đây.
Cụ thể, chú rùa nặng 23kg được tìm thấy trên bờ biển Struisbaai (Cape Town, Nam Phi), trong tình trạng khó thở tột độ. Các chuyên gia sau đó đã đưa chú đến Viện hải dương Two Oceans để thực hiện khám nghiệm.
"Chúng tôi đã nghĩ về trường hợp phổi bị nhiễm trùng hoặc chứng viêm phổi, nên ban đầu đã chữa trị bằng kháng sinh" - trích thông báo của viện hải dương.
"Nhưng vài ngày sau, tình trạng con rùa ngày càng yếu dần".
Bác sĩ Malan van Zyl của viện sau đó đã thực hiện chụp X-quang, và lôi ra được 2 dị vật trong khí quản của con rùa.
Đây là 2 dị vật trong khí quản của con rùa được các bác sĩ tìm thấy.
Nếu vẫn chưa đoán ra chúng là gì, thì bên trái là một đoạn rong biển - thứ chúng vẫn thường ăn. Và bên phải là một dải túi nilon! Theo thông báo, con rùa đã nhầm lẫn dải nilon với rong biển, dẫn đến việc bị nghẽn đường thở.
Mà quả thực thì ngay cả với mắt người chúng ta còn có thể nhầm, nữa là rùa.
"Trong 10 ngày, con rùa đã trải qua quá nhiều thứ, từ việc dạt vào bờ biển, đến trung tâm hồi sức rồi phải chụp X-quang. Và phải mới đây, chúng ta mới lôi ra được dải túi trong cổ họng của nó".
"Hiện tại, nó vẫn đang trong tình trạng nguy cấp".
Rác nhựa là nguyên nhân chính khiến một lượng lớn quần thể rùa biển biến mất.
Cũng theo bác sĩ Malan, rác nhựa là nguyên nhân chính khiến một lượng lớn quần thể rùa biển biến mất. Trong đó, tỷ lệ rùa con bị tử vong vì rác nhựa cao hơn gấp 4 lần một cá thể trưởng thành.
Nguyên do là bởi rùa con có cơ thể yếu hơn, và chúng thường xuyên phải kiếm ăn ở các vùng nước gần với bề mặt - tức là dễ đụng phải những mảnh rác nhựa trôi nổi. Thống kê cho thấy trong 1000 xác rùa biển được tìm thấy, có hơn 1/2 xác rùa non và 1/4 rùa cỡ nhỡ đã nuốt phải rác nhựa. Trong khi đó, tỉ lệ nuốt trúng rác ở xác rùa trưởng thành là 1:7.
Tỉ lệ này trong tương lai có lẽ sẽ còn cao hơn nữa, xét đến chuyện lượng rác nhựa ngoài đại dương đã tăng lên gấp 3 lần trong vòng 10 năm gần nhất. Thậm chí, các chuyên gia còn tin rằng đây thực sự là một nghịch lý của khoa học: con người ngày càng khám phá ra nhiều điều về bề mặt sao Hỏa và Mặt trăng, trong khi một lô lốc bí ẩn đại dương vẫn chưa được tìm ra.