Thực trạng CTN trên biển
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển. Trong đó, CTN là một thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển. Ước tính, hơn 80% CTN có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% CTN trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển, với mật độ trung bình 0,74kg/km2, tương ứng khoảng 0,27 triệu tấn. Lượng rác ước tính trên các bãi biển toàn cầu lớn hơn 5 lần lượng rác nổi với mật độ rất cao 2.000kg/km2 tương ứng 1,4 triệu tấn.
Ảnh: Đường đi của CTN trên biển
Việc theo dõi lượng CTN có trong môi trường, cùng với tốc độ CTN đi vào môi trường sẽ giúp đánh giá thực trạng, hiệu quả của công tác kiểm soát CTN. Khảo sát rác thải biển thường bao gồm 3 loại: Khảo sát rác thải trên bãi biển; khảo sát rác thải nổi và khảo sát rác thải đáy. Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã đưa ra quy trình chuẩn để khảo sát bãi biển như Chương trình rác thải biển của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Công ước BVMT biển vùng Đông Bắc Đại tây dương (OSPAR).
Qua đó, có thể thấy, nhựa trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Nhựa gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng nuốt phải, hoặc bị mắc kẹt. Đồng thời, CTN biển còn tác động đến sức khỏe con người do ăn phải các loài sinh vật nhiễm nhựa trong cơ thể. Ngoài ra, khó xác định được những tác động về kinh tế do CTN biển gây ra trong các hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải trên biển và chi phí vệ sinh môi trường.
Để kiểm soát CTN, có rất nhiều biện pháp được áp dụng từ phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh đến xử lý CTN thông qua việc áp dụng các công cụ về luật pháp, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục và truyền thông.
Kiểm soát CTN trên biển ở thế giới
Cơ sở pháp lý quốc tế
Để BVMT biển trước nữhng tác động tiêu cực từ rác thải biển, đã có nhiều công ước, quy định quốc tế được ký kết giữa các quốc gia để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Các Hiệp ước môi trường đa phương là các thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc đối với các nước phê chuẩn, hoặc tham gia. Cụ thể, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) là công ước mang tính bao quát về chế độ pháp lý của biển cả và đại dương; Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu bè (MARPOL) quy định rất rõ về việc nghiêm cấm hành vi xả rác, kế hoạch quản lý và đổ thải trên biển của tàu lớn; Công ước London và Nghị định thư London được xây dựng nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác trong đó có CTN.
Các tuyên bố, hướng dẫn quốc tế: Không có tính bắt buộc nhưng thường là gợi ý, làm cơ sở cho việc xây dựng luật pháp quốc gia và phản ánh những vấn đề đang nổi trong luật pháp quốc tế. Các tuyên bố, hướng dẫn liên quan đến rác thải biển như: Mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc có mục tiêu 14 “bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” đưa ra các nội dung liên quan đến quản lý rác thải biển; Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra vấn đề rác thải biển trong các điều khoản về cơ sở tiếp nhận ở cảng, tích trữ rác thải trên tàu và giảm thiểu tác động của ô nhiễm…; Chương trình Hành động toàn cầu về BVMT biển trước các hoạt động trên đất liền (GPA) là cơ chế liên chính phủ toàn cầu duy nhất trực tiếp nhấn mạnh sự kết nối giữa các hệ sinh thái đất liền, nước ngọt, ven biển và đại dương…
Các nguyên tắc, thông lệ quốc tế: Một số nguyên tắc liên quan đến rác thải biển như Phòng ngừa thiệt hại môi trường được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xem là nguyên tắc tiêu chuẩn trong các thông lệ quốc tế và đã xuất hiện trong Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stốckhôm 1972, Nguyên tắc 2 của Tuyên bố Rio 1992 và Điều 194 của Công ước UNCLOS. Theo nguyên tắc này, kiểm soát ô nhiễm và thiệt hại môi trường là trách nhiệm của mọi quốc gia; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền thể hiện trong Nguyên tắc 16 của Tuyên bố Rio 1992 kêu gọi các quốc gia sử dụng cách tiếp cận người gây ô nhiễm phải chịu chi phí do ô nhiễm môi trường.
Các biện pháp, công cụ kiểm soát CTN trên biển
Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều công cụ, biện pháp khác nhau đã được áp dụng để kiểm soát CTN. Các công cụ, biện pháp có thể tác động vào nhiều giai đoạn khác nhau trong vòng đời của sản phẩm nhựa, từ trước khi sản xuất cho đến sau khi trở thành chất thải. Để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh CTN, có thể áp dụng các công cụ pháp luật, kinh tế, kỹ thuật, công cụ giáo dục và truyền thông. Để xử lý CTN có các biện pháp chôn lấp, đốt, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng/nhiên liệu. Một số giải pháp khác cũng đã được thực hiện tại một số quốc gia như thu mua lại rác thải nhựa từ ngư dân, hay cung cấp túi rác và lắp đặt nơi đổ rác cho tàu thuyền,…
Trong các biện pháp về kiểm soát CTN biển, việc sử dụng công cụ chính sách pháp luật là biện pháp quan trọng nhất để làm căn cứ thực hiện các biện pháp khác. Nhiều quốc gia có quy định kiểm soát hàng tiêu dùng ở mức độ bán lẻ, một số quốc gia đã tiến hành kiểm soát đối với các hàng hóa được phép sản xuất. Ví dụ, Bănglađét, Rwanda cấm sản xuất và bán túi polythene trong biên giới quốc gia; Botswana, Trung Quốc, Nam Phi, Kenya… không cấm hẳn nhưng quy định độ dày của túi nhựa. Một số quốc gia đã áp dụng biện pháp đánh thuế để giảm thiểu rác thải biển như Nam Phi, Israel áp thuế đối với túi nhựa; Bỉ đánh thuế đối với màng nhựa và dụng cụ ăn uống dùng một lần; Đan Mạch đánh thuế nhựa đối với túi và vật liệu đóng gói cũng như thuế đổ rác ở bãi rác hoặc đốt rác. Bên cạnh một số quy định về kiểm soát hàng hóa trong sản xuất và sử dụng, một số nước có chính sách theo hướng tiếp cận tổng thể để giải quyết vấn đề rác thải biển như Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải biển “Luật Khuyến khích xử lý rác thải biển”, Hàn Quốc ban hành Luật Quản lý Môi trường Biển, trong đó yêu cầu xây dựng Kế hoạch tổng thể quản lý rác thải biển.
Nhiều biện pháp kỹ thuật cũng đã được sử dụng để kiểm soát CTN biển như kỹ thuật đánh dấu thiết bị đánh bắt thủy sản nhằm giảm lượng dụng cụ đánh bắt bị thất lạc, thải bỏ (Ủy ban Châu Âu đã có quy định EC 2005 về việc đánh dấu dụng cụ đánh bắt thủy sản và EC 2009 về thu hồi dụng cụ đánh bắt); kỹ thuật thu gom và loại bỏ rác ở sông và cảng (các rào chắn nổi, máy gắp cải tiến…); phát triển vật liệu sản xuất dụng cụ đánh cá có thể bị phân hủy do vi sinh vật trong nước biển (Hàn Quốc là nước đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các kỹ thuật này trên vùng biển quốc gia).
Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với CTN biển có ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, giảm thiểu CTN phát sinh từ hoạt động sản xuất và tiêu dùng, tăng cường tái sử dụng, tái chế CTN thông qua các chương trình giáo dục và chiến dịch về chất thải trên biển.
Một số kiến nghị về kiểm soát CTN trên biển tại Việt Nam
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề BVMT biển. Bên cạnh việc tham gia và thực hiện các cam kết, công ước quốc tế về biển và môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT nói chung, BVMT biển nói riêng. Cụ thể, Luật BVMT 2014, Luật TN&MT biển và hải đảo 2015 đã có những quy định về hoạt động kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển, trong đó có nội dung về chất thải. Hiện nay, việc quản lý chất thải (bao gồm CTN) được quy định rõ tại Nghị định số 38/2015-NĐ/CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015-TT/BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại...
Tuy nhiên, CTN là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, lại có những tác động nguy hại tới môi trường, đặc biệt khi CTN đi vào môi trường biển. Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện nay, CTN vẫn chưa thực sự được quan tâm, quản lý một cách phù hợp. Thực trạng, những thiệt hại, tác hại gây ra của CTN đối với kinh tế - xã hội - môi trường chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chưa có một văn bản nào quy định riêng cho loại chất thải đặc thù này. Việc nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm về kiểm soát, quản lý CTN trên biển ở nước ta còn rất thiếu.
Trước thực trạng về kiểm soát CTN biển còn nhiều khó khăn thách thức, trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về CTN biển và kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát CTN biển, một số giải pháp kiểm soát CTN biển được đề xuất phù hợp với tình hình hiện nay của Việt Nam: Hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý CTN biển; Tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả CTN biển; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý, kiểm soát CTN biển; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CTN biển.