Rác thải tấn công vào đại dương
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường mỗi ngày lượng rác thải nhựa lên đến 2.500 tấn, với hơn 3.500 km đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước thì mỗi năm Việt Nam đang xả ra đại dương khoảng 0.28 – 0.73 triệu tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 trên Thế Giới chỉ sau các nước Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Việt Nam đang đứng thứ 4 trên Thế Giới về việc thải rác ra biển
Chúng ta có thể nhận thấy, vì sự tiện lợi và tiện nghi cuộc sống đang ngày một phát triển, điều đó giúp cho tài chính của mỗi gia đình cũng dần trở nên thoải mái hơn. Đôi khi họ chỉ cần mất vài phút để mua một ly nước hoặc một chai nước suối, nhưng môi trường cần phải mất đến hàng trăm năm để phân hủy chúng. Và chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy hầu hết các loại rác thải nhựa đều sẽ có mặt ở dưới lòng đại dương, từ những vật nhỏ xíu như một chiếc đầu lọc thuốc lá cho đến những cái lớn hơn như những thùng xốp hoặc thùng nhựa.
Các loại động vật biển chịu ảnh hưởng nặng nề từ rác thải
Nhựa được sử dụng rộng rãi vì lý do bền và chi phí rẻ, tuy nhiên khi chúng được thải ra ngoài đại dương sẽ vỡ thành những hạt vi nhựa hiện hữu khắp nơi. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời và nước biển mặn, nhựa sẽ phân rã thành những hạt vi nhựa và hòa vào đại dương, tích tụ chất độc và ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật biển.
Bảo vệ biển chính là bảo vệ chúng ta
Tình trạng rác thải nhựa gia tăng chính là mối nguy hại và giảm khả năng sinh tồn của các loài sinh vật biển. Tình trạng đáng báo động khi vào năm 2018 ở phía nam Thái Lan đã phát hiện một chú cá voi chết vì nuốt hơn 80 túi nhựa và thật đau lòng khi trong quá trình giải cứu thì chú cá voi đã cố gắng và nôn ra 5 túi nhựa trước khi qua đời. Gần đây nhất, một chú cá voi đã qua đời ở Philippines khi trong dạ dày có tới hơn 40kg nhựa. Các nhà sinh vật học cũng như các nhà xét nghiệm cho biết đây là lượng rác lớn nhất họ từng gặp ở một con cá voi. Thật buồn vì điều đó, những con vật này không làm bất kỳ điều gì sai trái nhưng ngược lại chúng phải gánh chịu hậu quả từ những hành động của con người.
Hãy trả lại cho chúng tôi một môi trường biển xanh và sạch
Và không chỉ những sinh vật biển đang gánh chịu hậu quả do con người làm ra mà chính chúng ta cũng đang tàn phá sức khỏe khi ⅕ dân số đang phụ thuộc vào nguồn protein từ hải sản. Và những hạt vi nhựa sẽ biến tính như thế nào trong những bữa ăn của chúng ta? Chưa ai trả lời được câu hỏi này.
Lượng rác thải nhựa đang ngày một xâm chiếm môi trường biển, đặc biệt là những vùng biển ven bờ. Việc dọn dẹp và giữ gìn vệ sinh là điều cần thiết nhưng vấn đề cần phải giải quyết lâu dài chính là thay đổi thói quen sử dụng vật liệu nhựa, nhất là đồ dùng nhựa một lần, nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải ngay từ ban đầu.