THỰC TRẠNG RÁC THẢI NHỰA TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm – đây là nhận định của ông Albert T. Lieberg, trưởng đại diện Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam. Ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số “khổng lồ” 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng.
Trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Hình ảnh rác thải nhựa tràn ngập tại ven bờ biển của Việt Nam.
Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng” mà các chuyên gia đã gọi.
Xét riêng trong lĩnh vực y tế, quá trình khám, chữa bệnh và sinh hoạt hàng ngày như các hoạt động sinh hoạt của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế hoặc các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… cũng làm phát sinh rác thải nhựa ra ngoài môi trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ y tế, có khoảng 5% rác thải y tế là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế. Tại hội nghị trực tuyến ngày 18/08/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Ước tính có hơn 700.000 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa và ngành y tế cũng cần phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
NHỮNG MỐI ĐE DỌA NGUY HIỂM TỪ RÁC THẢI “NHỰA”
Chỉ một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất ít nhất 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa dù nhỏ cũng cần ít nhất gần 200 năm mới phân hủy được. Hàng triệu tấn nhựa được sản xuất, tiêu thụ và thải ra môi trường mỗi năm, trong khoảng thời gian “100-200 năm chờ đợi” thì chúng đang ở đâu?
Rác thải nhựa không được xử lý thải ra biển “bức tử” sinh mạng sống của nhiều loài sinh vật.
– Các chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ trên những bãi rác. Một phần được thả trôi ra biển, ra đại dương, giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển. Những cái chết thương tâm của những loài sinh vật biển khi nuốt phải chai, lọ, vật dụng bằng nhựa. Hay những chiếc túi nilon giống như chiếc lưới tử thần không lối thoát, đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều loài sinh vật hiện nay.
– Những chất thải nhựa, túi nilon còn lại “nằm chờ” ở những bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp, gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất, các hoạt động nuôi trồng trên vùng đất đầy rác thải cũng cho hiệu quả kinh tế kém, và chính điều này đã phần nào hủy diệt môi trường sống và môi trường tự nhiên của chúng ta.
Bạn hãy tự tưởng tượng xem, nếu một ngày trên thế giới tràn ngập rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy, các loài sinh vật biển, vi sinh vật có lợi dưới đất không còn tồn tại, nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm, các loài cây cối cũng chết dần vì các mảnh đất khô cằn chứa toàn rác thải. Liệu cuộc sống của chúng ta khi đó sẽ như thế nào?