heo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày.
Theo đó, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới – đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thông tin này tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sáng 10/12. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Rác thải ở ven biển Việt Nam.
Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp.
Ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thừa nhận vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang trở nên cấp bách.
“Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực”, ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Lê Tuấn – Viện trưởng nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá huỷ.
Bà Jacinthe Seguin, chuyên gia Canada nói nhựa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng việc sử dụng nhựa đã bộc lộ nhiều nhược điểm. “Việc hạn chế rác thải biển không chỉ một quốc gia muốn là có thể thực hiện được. Tính liên thông giữa các đại dương buộc chúng ta phải phối hợp để đưa ra những phương án đồng bộ”, bà nói.
Nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế rác thải, ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho hay: “Ở Hàn Quốc, Chính phủ sản xuất một loại túi đựng rác cho các hộ gia đình và buộc họ phải sử dụng. Nhà nào thải ra nhiều rác sẽ phải mua nhiều túi qua đó đóng góp kinh phí vào việc xử lý rác sau này”.
Tìm kiếm công nghệ xử lý
Các quốc gia trên thế giới hiện vẫn gặp khó khăn với công nghệ xử lý, tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, bởi hầu hết lượng rác thải vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu.
Gần đây, các đô thị lớn ở Mỹ đang phát triển mạnh công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt. Phương pháp đốt có thu hồi điện năng, nhiệt năng ở Nhật Bản chiếm 72,8% với công suất lò đốt đa phần khoảng 500-6000 tấn/ngày. Hà Lan có 35% chủ yếu là chất thải rắn công nghiệp áp dụng công nghệ đốt. Trung Quốc mạnh dạn áp dụng công nghệ đốt ở các cấp độ khác nhau từ sau năm 2.000 và hiện ngành sản xuất lò đốt chất thải rắn phát điện của Trung Quốc rất phát triển. Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các khu đốt chất thải rắn hỗn hợp kết hợp phát điện có công suất tối đa 3.000 tấn/ngày.
Việt Nam đổ ra biển khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Tại Việt Nam, phần lớn chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, điển hình là 2 thành phố lớn như Hà Nội với 95%, TP Hồ Chí Minh với 76%. Một phần được xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy với quy mô khác nhau từ 10-150 tấn/ngày; trong đó chủ yếu là công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu quy mô nhỏ từ 10-12 tấn/ngày.
Cả hai phương pháp không đem lại hiệu quả về môi trường và kinh tế. Chôn lấp gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách nhà nước, chi phí xã hội; lãng phí phần rác có giá trị tái chế; gây ô nhiễm thứ cấp nguồn nước, đất lâu dài. Đốt tiêu hủy xử lý triệt để hơn, tiết kiệm tài nguyên đất nhưng đầu tư nhiều, thời gian triển khai dài, phát sinh khí thải dioxin gây ô nhiễm môi trường…
Thế giới đang có xu hướng lựa chọn công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây được xem là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hai công nghệ này sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam.
Các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt-hóa, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất ở thời điểm triển khai trên thực tế hiện nay và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán năng lượng tái tạo khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm năng lượng xanh như dầu và than nhiên liệu.
Phát triển các giải pháp công nghệ tối ưu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam đang theo hướng từ khoa học công nghệ đưa ra được các vật liệu mới có khả năng thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là cấp bách.
Công nghệ nhiệt phân xử lý rác nhựa được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4-5 năm gần đây. Hiện đã có một số đề tài nghiên cứu về công nghệ này của Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí, Trung tâm Hóa dầu – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ công nghệ mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như: Công ty Môi trường xanh Hải Dương, Công ty Môi trường Bình Phước, Công ty Môi trường xanh Huê Phương… bước đầu thu được những kết quả khả quan.
Công nghệ nhiệt phân cho phép tái chế rác nhựa hỗn tạp và các loại chất thải không được tái chế hiệu quả bằng phương pháp khác, rác nhựa chưa được làm sạch và bị nhiễm bẩn như nhựa thu hồi từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp; đặc biệt nhựa với kích thước lớn.
Công nghệ nhiệt phân phát sinh rất ít nước thải, chủ yếu từ độ ẩm trong rác nhựa, quá trình nhiệt phân những loại nhựa có thành phần nhôm sẽ không tạo ra dioxin như phương pháp đốt. Thiết bị tháo và đóng bao than hoàn toàn kín giúp hạn chế tối đa việc phát tán bụi; hệ thống vận hành tự động hoặc bán tự động giảm nhiều chi phí nhân công. Các thông số được thiết kế hiển thị rõ ràng và chi tiết giúp quá trình vận hành dễ dàng.
Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ điện rác thành năng lượng và cacbon organic – hợp chất dùng để cải tạo đất và sử dụng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tốt nhất. Công nghệ này xử lý được tất cả các loại chất thải rắn, rác thải đã chôn lấp. Sản phẩm của công nghệ là điện từ xơ bã rác đã được đo kiểm và hòa lưới quốc gia ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Đất đen cacbon organic đã được Viện Nông nghiệp kiểm định cho kết quả hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân bò, phân gà và cao gấp 2 lần phân bón vi sinh hữu cơ hiện có. Các thành phần kim loại nặng thấp dưới tiêu chuẩn Việt Nam.