Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết sau khỏi Covid-19, miễn dịch tăng cao trong 6 tháng đầu, vì thế, ít nhất sau 6 tháng khỏi bệnh là thời điểm thích hợp để tiêm vaccine Covid-19. Đây cũng là ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo quy định Bộ Y tế hiện nay, những trường hợp có tiền sử đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ tạm hoãn tiêm vaccine.
Bác sĩ Hà phân tích, miễn dịch sau khỏi bệnh dựa vào nhiều yếu tố, trong đó cơ thể sẽ tồn tại kháng thể trung hòa. Kháng thể là một thành phần của hệ miễn dịch, trong đó kháng thể IgG xuất hiện trong máu và dịch ngoại bào, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Kháng thể trung hòa là những kháng thể dính vào virus, ngăn chặn virus lây nhiễm qua các tế bào khác.
Ngoài kháng thể trung hòa, miễn dịch cơ thể còn dựa vào nguyên tắc "trí nhớ miễn dịch". Các kháng thể chống lại bệnh tật, hay còn được gọi là tế bào B và tế bào T có khả năng nhận dạng virus, đều hiện hữu nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Tế bào B khi có kháng nguyên đến sẽ kích hoạt, nhân lên, sản xuất ra kháng thể tấn công các mảnh virus còn lại. Tế bào T là tế bào tại chỗ, có tác dụng diệt virus tăng lên.
Vì thế, miễn dịch không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng kháng thể trung hòa (tức không phải định lượng kháng thể trung hòa yếu là không có miễn dịch), mà còn phụ thuộc vào "trí nhớ miễn dịch" của tế bào. Miễn dịch cơ thể mạnh hay yếu, kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào từng người, nồng độ virus khi nhiễm. Ngoài ra, người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm... thì miễn dịch sau khỏi Covid-19 cũng sẽ khác nhau.
"Nói chung, sau khi khỏi bệnh, miễn dịch cao", ông Hà nói. "Bản thân người khỏi bệnh có hệ tế bào trí nhớ miễn dịch, sẽ được huy động trong lúc gặp virus. Vì vậy, những người này không cần tiêm vaccine Covid-19 ngay. Nếu tiêm cũng không ảnh hưởng gì, góp phần nâng cao hệ miễn dịch".
Nhiều ý kiến đưa ra xoay quanh khả năng miễn dịch của người bệnh Covid-19 nặng và nhẹ sau khỏi. Một số nghiên cứu cho rằng, người bệnh nặng đã khỏi thì đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ. Với người bị nhẹ, không triệu chứng, tức khả năng lành bệnh tốt thì hệ miễn dịch lại không được tập duyệt. Vì vậy, người bị nhẹ đáp ứng miễn dịch ít hơn là những người bị nặng. Song, một vài ý kiến khác cho rằng, nguyên tắc là một người có sức đề kháng mạnh thì mới bị bệnh nhẹ, vậy thì không có lý do gì mà một người sức đề kháng mạnh lại không có miễn dịch tốt bằng người bệnh nặng.
Trường hợp đã khỏi bệnh nhưng tái nhiễm, theo ông Hà, nguyên nhân thứ nhất là miễn dịch của người đó không được tốt, thứ hai là tải lượng virus quá nhiều thì mới tái nhiễm. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm trên thế giới không nhiều và ít khi tái nhiễm trong thời gian ngắn khi vừa khỏi bệnh.
Thông thường, những người bệnh nền như tiểu đường, HIV... miễn dịch bị ức chế, làm hạn chế khả năng sinh kháng thể, vẫn có thể có miễn dịch tế bào.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM, ngày 19/7. Ảnh: Thành Nguyễn
Miễn dịch của người sau khỏi Covid-19 có thể kéo dài suốt đời, nếu nCoV vẫn tồn tại, lưu hành hàng năm, theo các chuyên gia. Ông Hà phân tích, khi một virus xâm nhập, cơ thể sẽ phân công ra một nhóm tế bào phụ trách, nghiên cứu đặc điểm "kẻ thù" để trí nhớ tế bào tấn công. Trong thời gian ngắn, trí nhớ tế bào này sẽ kích hoạt hệ thống tế bào, nhân lên nhiều. Về nguyên lý, tế bào đó luôn luôn tồn tại đến suốt đời.
Tuy nhiên, để lâu dài, bền vững thì tế bào đấy vẫn phải được huấn luyện. Chuyên gia lấy ví dụ về bệnh sởi, trước đây khi chưa có vaccine sởi, nhiều em bé bị nhiễm sởi, khi khỏi bệnh sẽ không bị lại nữa, đó là miễn dịch lâu dài. Hàng năm vẫn có virus sởi lưu hành, những người bị sởi khỏi rồi vẫn tiếp xúc với virus sởi, các tế bào luôn luôn được nhắc nhở, hoạt động, tập luyện, nên miễn dịch ấy gần như suốt đời.
Sau này khi có vaccine sởi, miễn dịch do tiêm chủng chỉ kéo dài độ 10-15 năm, nên người lớn như phụ nữ mang thai có thể mắc sởi. Vì miễn dịch lâu quá rồi nên giảm đi, nên mới cần nhắc lại vaccine.
Với Covid-19 cũng vậy. Ở những người khỏi bệnh, nếu sau này nCoV vẫn tồn tại, lưu hành và hàng năm vẫn có những người bị nhiễm bệnh với mức độ ít, thì tế bào cơ thể những người khỏi luôn luôn được tập luyện, nên có thể hiểu miễn dịch của người sau khỏi Covid-19 có thể kéo dài suốt đời. Tức người miễn dịch tự nhiên vẫn phải thường xuyên gặp gỡ mầm bệnh thì mới duy trì được hệ miễn dịch tốt.
Vậy miễn dịch của người sau khỏi bệnh và miễn dịch của vaccine Covid-19 khác nhau ra sao? Theo ông Hà, nguyên tắc miễn dịch của người khỏi bệnh sẽ bền vững hơn vaccine Covid-19, nhưng vẫn phải tùy vào từng người. Với vaccine Covid-19, khả năng bao lâu phải có nghiên cứu, theo dõi đánh giá nồng độ kháng thể giảm bao nhiêu trong 6 tháng, 1 năm, 2 năm... Dựa vào đó, các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu mũi nhắc lại thứ 3. Tuy nhiên hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng chưa tính mũi thứ ba trong bao lâu thì tiêm nhắc lại.
Thông thường, những vaccine không phải cấp phép khẩn cấp sẽ được nghiên cứu đầy đủ trong vòng 5-7 năm. Vì vaccine Covid-19 được cấp phép khẩn cấp nên chỉ đánh giá được hiệu quả bảo vệ ban đầu, hiện chưa biết mũi nhắc lại sẽ vào thời điểm nào. Các chuyên gia khuyến cáo người đã tiêm vaccine Covid-19, người khỏi bệnh, vẫn cần thận trọng, thực hiện nghiên các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.