Một khi sức đề kháng suy yếu, con người, đặc biệt là trẻ nhỏ dễ dàng bị các tác nhân có hại tấn công, thường xuyên đau ốm. Do đó, các mẹ vẫn luôn tìm các cách tăng sức đề kháng cho trẻ một cách hiệu quả.
Tăng sức đề kháng cho trẻ luôn là “kim chỉ nam” trong việc chăm sóc sức khỏe của trẻ. Nhất là vào những thời điểm giao mùa, dịch bệnh hoành hành, có sức đề kháng trẻ sẽ vượt qua được mọi mối nguy sức khỏe rình rập.
Sức đề kháng tốt giúp trẻ phòng tránh bệnh tật
Hệ miễn dịch khỏe mạnh là cách phòng chống bệnh tật tốt nhất
Các chuyên gia y tế khẳng định, hệ miễn dịch khỏe mạnh là nền tảng vững chắc để cơ thể phòng tránh bệnh tật hiệu quả nhất. Do đó, việc tăng sức đề kháng đóng vai trò hết sức quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, trẻ bị hen phế quản, trẻ biếng ăn…
Vì vậy, cha mẹ cần áp dụng đồng thời nhiều cách tăng sức đề kháng cho trẻ, để cơ thể trẻ tránh bị vi khuẩn có hại xâm nhập, đảm bảo sự phát triển của trẻ nhỏ.
Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách nào?
Ngay từ khi trẻ ra đời, mẹ đã có thể vạch sẵn một “chiến lược” lâu dài trong hành trình tăng sức miễn dịch cho trẻ.
Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Bú sữa mẹ chính là một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh vô cùng hữu ích. Không chỉ cung cấp các dưỡng chất cơ bản cho sự phát triển của trẻ, sữa mẹ có chứa nhiều loại kháng thể, vi khuẩn có lợi, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Do đó, cách tốt nhất để trẻ khỏe mạnh, ít bị các bệnh nhiễm trùng là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời.
Vận động thường xuyên
Vui chơi, vận động, tập thể dục… là một liều thuốc bổ vô cùng quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho trẻ. Chạy nhảy, đạp xe đạp, đi bộ… không chỉ giúp trẻ năng động hơn trong cuộc sống, mà còn kích thích cơ thể trẻ sản sinh kháng thể chống lại bệnh tật. Có vậy, trẻ mới có một cơ thể khỏe mạnh, chống chọi tốt trước các bệnh tật đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng.
Ngủ đủ giấc
Khi con ở giai đoạn sơ sinh, trẻ cần ngủ khoảng 18 giờ mỗi ngày, bước sang giai đoạn tập đi trẻ cần ngủ từ 12-13 giờ, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo cần ngủ khoảng 10 giờ.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ ngủ không đủ giấc, thức quá khuya sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nói chung và sức đề kháng nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ khiến cơ thể giảm sức đề kháng trước sự tấn công của vi khuẩn, làm trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Ăn uống hợp lý
Đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý là một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ “tiêu tốn” khá nhiều thời gian và tâm huyết của các mẹ. Bởi lẽ, mỗi bữa ăn, để trẻ vừa ăn ngon miệng, nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, gồm 4 nhóm thực phẩm sau: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Đặc biệt, trong khẩu phần ăn hàng ngày, trẻ cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây – nhóm thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng một cách hiệu quả.
Bổ sung vitamin A và kẽm
Khoa học đã chứng minh, vitamin A và kẽm là cách tăng sức đề kháng cho trẻ đặc biệt hiệu quả
Vitamin A giúp tăng tăng sức đề kháng để cơ thể trẻ chống chọi với các bệnh nhiễm trùng. Vitamin A có nhiều trong các loại trái cây màu vàng đậm như khoai lang, cà chua, cà rốt và gan động vật.
Ngoài có lợi cho quá trình tăng chiều cao ở trẻ em, kẽm được khoa học chứng minh vai trò rất quan trọng để thúc đẩy cơ thể sản xuất đủ tế bào miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Do đó, bạn nên cho trẻ ăn những món ăn giàu kẽm như thịt bò,thịt gà, hàu, sò… 2-3 lần mỗi tuần.
Sữa chua
Mỗi ngày, cha mẹ nên cho trẻ ăn 1 hũ sữa chua hay thức uống bổ sung lợi khuẩn cũng sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Uống nhiều nước
Cha mẹ hãy tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, giúp kích thích sức đề kháng của cơ thể hoạt động tích cực, phòng tránh được nhiều bệnh tật. Nên cho trẻ uống nước trái cây hoặc nước đun sôi để nguội, hạn chế uống nước ngọt, nước có ga.
Tăng sức đề kháng cho trẻ lúc giao mùa làm sao cho đúng?
Để trẻ hạn chế mắc bệnh lúc giao mùa, ngoài những cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ như trên, bạn còn cần chú ý đến những vấn đề sau:
Giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh để bảo vệ sức khỏe của trẻ
Giữ ấm cơ thể
Bạn nên cho trẻ mặc quần áo dài, đội mũ, đi giày mỗi khi ra đường dưới trời trở lạnh. Đặc biệt, chú ý giữ ấm cho đôi chân của trẻ, không để chân trẻ bị ướt, khiến cơ thể trẻ dễ bị nhiễm lạnh.
Làm thông thoáng phòng ngủ
Vào mùa lạnh, không khí tù đọng, không lưu thông là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Do đó, bạn nên mở cửa sổ khoảng 15 phút mỗi ngày để giúp không khí thoáng đãng. Bạn cũng thường xuyên vệ sinh phòng ngủ và nơi vui chơi của trẻ để chúng luôn sạch sẽ nữa nhé.
Tăng sức đề kháng cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ khỏe mạnh, ít đau ốm và nhanh chóng cao lớn. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý để lựa chọn và áp dụng đúng các cách tăng sức đề kháng cho trẻ nhé!
Tác giả: MarryLiving