Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội), có 4 nhóm bệnh lý dễ mắc khi chuyển mùa. Trong đó, nhóm bệnh lý về hô hấp là hay gặp nhất.
- Viêm đường hô hấp trên (có cấp tính và mạn tính), bệnh nhẹ nhưng hay gặp và khó chịu vì ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính.
- Viêm đường hô hấp dưới ít gặp, gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Mùa này 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.
-Viêm phế quản là bệnh rất nhạy cảm, khó thích ứng với biến đổi thất thường của khí hậu (trẻ em càng dễ mắc). Bệnh gây khó thở, khò khè, ho nhiều, có đờm. Nên sớm tới bác sĩ để được dùng thuốc thích hợp vì bệnh khó khỏi hẳn, hạn chế tái phát. Trẻ em sáng sớm và ban đêm cần giữ ấm, mặc đồ không quá dày kẻo mồ hôi ra nhiều cũng dẫn đến nhiễm lạnh.
- Bên cạnh đó là các chứng bệnh viêm phổi, viêm tắc thanh quản và khí quản (gây ho nhiều và dữ dội về ban đêm, thờ khò khè), đau họng (gây sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn), viêm tai (gây sốt cao, đau tai, đau đầu, sưng cổ)... Các triệu chứng này biểu hiện bệnh đã nặng, cần đi khám chữa ngay, không nên tự chữa ở nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Nhóm bệnh lý dị ứng
Giao mùa xuất hiện nhiều dị nguyên mới trong môi trường như phấn hoa (đặc biệt là hoa sữa, bụi bông…), rất dễ bị dị ứng như viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc mắt… Những chất gây dị ứng trong không khí tương đối nhiều, do đó cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng.
Riêng các trường hợp mề đay do lạnh mắc phải đều chưa rõ nguyên nhân. Tốt nhất là tránh tiếp xúc với lạnh và những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế tác nhân gây bệnh.
Cảm cúm
Cảm cúm do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, gây nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn... Không nên coi thường cảm cúm vì bệnh có thể kéo dài hoặc nghiêm trọng, thậm chí một số bệnh cúm còn gây tử vong. Khi có các dấu hiệu trên hãy đi khám sớm (đặc biệt là khi kèm theo sốt cao), kẻo dễ bị biến chứng.
Virus cảm lạnh và cảm cúm dễ lây lan khi tiếp xúc với những vật trong nhà như: Điện thoại, điều khiển tivi (điều hòa), ho, hắt hơi… Do đó nên rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… để loại bớt tác nhân gây bệnh. Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin C để ngăn ngừa cảm cúm, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.
Sốt
Hay gặp là bệnh sốt do virus, gây sốt từ 38,5oC trở lên. Cần phải hạ sốt kịp thời (lau người nước ấm, quần áo đảm bảo khô thoáng, uống thuốc...) hoặc đưa tới cơ sở y tế, tránh bị co giật.
Lưu ý là lúc cúm sốt thường lạnh từ bên trong cơ thể ra, do đó không nên mặc quần áo quá dày, không đắp nhiều chăn. Cho người bệnh uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả (với trẻ đang bú thì mẹ ăn cho con bú, trẻ ăn dặm thì cho ăn rau quả mềm, chín). Thời tiết giao mùa virus rota được coi là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, đặc biệt “hoành hành” vào những ngày đầu thu. Bên cạnh đó, tiết trời nóng lạnh thất thường sẽ dễ bị đau xương khớp. Do đó nên giữ ấm, nhất là buổi sáng sớm. Đi tập thể dục về đang ra mồ hôi thì không nên tắm rửa bằng nước lạnh.
“Bí kíp”bảo vệ gia đình khi giao mùa:
- Giữ trong, ngoài nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt.- Với trẻ em, người già, gần sáng và đêm lạnh nên cho trẻ mặc quần áo ấm, trưa nóng có thể cởi bớt ra. Không mặc nhiều, dày vì mồ hôi toát ra thấm ngược, gây ốm sốt. Tránh loại áo liền quần thít vào ngực khiến khó thở. Ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày sạch sẽ.
Theo bác sĩ Dũng thì việc phòng bệnh cho bé cũng là một điều hết sức quan trọng. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm, DHA, omega 3… thật hợp lý. Chú ý tới giấc ngủ của bé, một giấc ngủ sâu sẽ khiến bé khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện rõ nét hơn.
Ăn uống hợp vệ sinh, chọn thực phẩm phù hợp, dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, cân đối giữa chất đạm, bột, chất xơ. Bảo quản đồ ăn, hạn chế lưu trữ đồ ăn từ ngày này sang ngày khác. Tập thể dục đều đặn, bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Giữ vệ sinh tay chân cho bé, rửa tay thường xuyên sẽ giúp bé tránh nhiễm bệnh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, không cho trẻ ra ngoài khi trời nắng, nhất là lúc nắng gay gắt.