Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ.
Lý do chính của tình trạng này là bệnh nhi ăn ít đi, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng giảm do bị tiêu chảy, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng lại tăng do nhiễm trùng. Vậy dùng thuốc trị tiêu chảy ở trẻ em như thế nào cho đúng?
Tiêu chảy thường được định nghĩa là đại tiện phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Phân lỏng là phân không thành khuôn. Trừ những trẻ bú mẹ, thường đi mỗi ngày một vài lần phân nhão. Đối với những trẻ này, xác định tiêu chảy thực tế là phải dựa vào tăng số lần hoặc tăng mức độ lỏng của phân mà các bà mẹ cho là bất thường.
Nguyên nhân gây tiêu chảy thường truyền bằng đường phân - miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Các nguyên nhân gồm: virut (Rotavirus, Adenovirus, Enterovirus, Norovirus); vi khuẩn E.Coli; trực khuẩn lỵ (Shigella); ký sinh trùng... Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như chế độ ăn, dị ứng thức ăn, sử dụng kháng sinh,...
Cách tạo dung dịch bù nước điện giải tại nhà.
Thuốc điều trị bệnh tiêu chảy
Trong tiêu chảy, tùy theo mức độ mất nước mà có các phác đồ bù nước thích hợp. Chỉ những trường hợp bé bị tiêu chảy không mất nước mới được cho điều trị tại nhà, còn có mất nước và mất nước nặng đều được khuyến cáo điều trị tại tuyến y tế cơ sở hay bệnh viện.
Một số thuốc thường được sử dụng điều trị tiêu chảy ở trẻ:
Kháng sinh: Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy nghi ngờ do vi khuẩn tả, trực khuẩn lỵ và nhiễm ký sinh trùng. Các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác không được khuyến cáo điều trị kháng sinh.
Dung dịch bù nước điện giải oresol: Oresol là dung dịch bù nước và điện giải, phụ huynh có thể cho trẻ uống tùy theo trẻ muốn cho tới khi ngừng tiêu chảy. Với trẻ dưới 2 tuổi, cho trẻ uống khoảng 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài; trẻ 2-10 tuổi uống khoảng 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài; trẻ lớn uống theo nhu cầu.
Pha 1 gói oresol với lượng nước đúng theo quy định ghi trên nhãn. Có gói yêu cầu pha vào 200ml nước, có gói phải pha vào 1 lít nước. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha oresol.
Lưu ý, dung dịch oresol đã pha chỉ nên dùng trong 24 giờ. Sau 24 giờ nếu còn cũng không nên sử dụng. Dùng nước nguội để pha dung dịch oresol, không pha oresol với nước khoáng vì trong nước khoáng có sẵn các ion điện giải sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất điện giải. Khi pha dung dịch oresol vào nước, bạn sẽ có được một dung dịch đục. Vì vậy, bạn cần lắc hoặc khuấy kỹ trước khi uống.
Bổ sung kẽm: Kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ. Trẻ tiêu chảy bị mất một lượng lớn kẽm trong quá trình bị bệnh. Bù lại lượng kẽm bị mất đi do tiêu chảy rất quan trọng để giúp trẻ sớm hồi phục bệnh (giảm thời gian, mức độ nặng của tiêu chảy), đồng thời giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong 2-3 tháng tiếp theo sau tiêu chảy. Nên cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay khi tiêu chảy bắt đầu.
Trẻ < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày, trong vòng 10 - 14 ngày.
Trẻ ≥ 6 tháng tuổi: 20mg/ngày, trong vòng 10 - 14 ngày.
Lưu ý, nên cho trẻ uống kẽm lúc đói để hấp thu tốt nhất.
Men vi sinh: Một số vi khuẩn có lợi được bổ sung trong khi bé bị tiêu chảy nhằm cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ trong điều trị tiêu chảy. Các vi khuẩn có lợi được khuyến cáo như: lactobacillus acidophilus (ví dụ các men vi sinh: antibio, biolactyl, biofidin, lacteol fort) chế từ vi khuẩn Lactobacillus acidophilus đông khô. Hoặc vi khuẩn Bacillus clausii có trong enterogermina, vi khuẩn Saccharomyces boulardii có trong men bioflora chế từ tế bào nấm men sống Saccharomyces boulardii đông khô.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa như smecta. Tuy nhiên, các thuốc này không được khyến cáo trong các trường hợp tiêu chảy do nhiễm độc vì làm chậm hấp thu các loại thuốc điều trị khác.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ngoài việc dùng thuốc, cần chú ý, coi trọng khẩu phần thức ăn hằng ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần. Không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn. Nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên. Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại ngay khi được bù đủ nước. Trái lại, những trẻ tiêu chảy phân máu thường kém ăn kéo dài hơn cho đến khi bệnh thuyên giảm. Những trẻ này cần được khuyến khích ăn lại chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt.
Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng, hồi phục nhanh cân nặng và chức năng đường ruột, gồm khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Trái lại, những trẻ ăn kiêng hoặc thức ăn pha loãng sẽ bị giảm cân, thời gian tiêu chảy kéo dài hơn và chức năng đường ruột phục hồi chậm hơn.
Tác giả: Nguồn https://suckhoedoisong.vn