COVID-19 VÀ TRẺ EM – CÁCH BẢO VỆ TRẺ TỐT NHẤT KHỎI VIÊM PHỔI CẤP DO CORONAVIRUS
Virus Covid-19 được ghi nhận lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019. Khởi phát từ những ca bệnh đơn lẻ, bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19 bùng phát dữ dội khiến hơn 70.000 người nhiễm bệnh, gần 2.000 người tử vong chỉ trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, số ca nhiễm được ghi nhận ở trẻ em là rất hiếm hoặc ít nghiêm trọng hơn. Có phải trẻ em ít khả năng bị nhiễm virus Covid-19 hơn người lớn?
Hơn 70.000 người trên thế giới được chẩn đoán dương tính và hơn 2.000 người chết vì 1 loại coronavirus mới có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Dịch được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 12, nhưng cho đến ngày 22/1 chưa có trường hợp nào là trẻ em dưới 15 tuổi. Một nghiên cứu trên Tạp chí New England Journal of Medicine đã phỏng đoán rằng “trẻ em có thể ít bị nhiễm bệnh hơn hoặc, nếu bị nhiễm bệnh, có thể biểu hiện các triệu chứng nhẹ hơn”so với người lớn.
“Tạp chí New England Journal of Medicine cho biết: “Phân tích đặc điểm của 425 người đầu tiên được phát hiện nhiễm bệnh ở Vũ Hán, chưa có trường hợp trẻ dưới 15 tuổi được ghi nhận nhiễm bệnh. Tuổi trung bình của bệnh nhân nằm ở khoảng 49-56 tuổi, trường hợp tử vong trẻ nhất được ghi nhận là một bệnh nhân 36 tuổi”.
Tờ New York Times trong một bài báo đăng ngày 5/2 có chia sẻ nhận định của trưởng khoa virus học tại Đại học Hong Kong Malik Peiris: “Theo quan điểm của tôi, những người trẻ vẫn nhiễm bệnh nhưng ở mức độ tương đối nhẹ hơn”.
Theo các nhà khoa học, không thấy có nhiều trẻ em nhiễm bệnh bởi “chúng tôi không có dữ liệu về các trường hợp nhẹ hơn này”. Ông Peiris cũng cho biết: “Nếu dịch virus corona lan rộng trên toàn thế giới, nó cũng sẽ ảnh hưởng rộng khắp như bệnh cúm và khi đó, có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp hơn”.
Ngày 10/2, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ghi nhận trường hợp một người mẹ bị nhiễm bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, bé gái sơ sinh may mắn không bị nhiễm bệnh.
Ngày 11/2/2020, Bộ Y tế nước ta cũng ghi nhận trường hợp thứ 15 mắc Covid-19 tại Việt Nam, là một bé gái 3 tháng tuổi. Sau 2 ngày điều trị, các bác sĩ cho biết sức khỏe cháu bé tiến triển tốt, cháu và mẹ đang được cách ly, tiếp tục điều trị và theo dõi sát sao tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Vì sao trẻ lại ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19? Chương trình tiêm chủng phòng bệnh đang bảo vệ trẻ em trước chủng coronavirus mới? Đây là những câu hỏi đang được các nhà khoa học tìm lời giải đáp.
Virus Corona và trẻ em
Nhìn lại quá khứ, Dịch do virus corona mới được cho là có nhiều điểm tương đồng với dịch SARS và MERS. Cả ba loại virus gồm SARS, MERS và bây giờ là Covid-19 đều thuộc loài coronavirus (tiếng La Tinh có nghĩa là vương miện) thuộc phân họ Coronavirinae. Tên gọi trên được đặt từ hình dạng có phần giống vương miện của protein trên lớp vỏ ngoài của virus.
Dịch MERS tại Saudi Arabia năm 2012 và tại Hàn Quốc năm 2015 khiến hơn 800 người thiệt mạng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em nhiễm bệnh đều không có những triệu chứng nghiêm trọng. Trẻ lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc với người trong gia đình.
Dịch SARS bùng phát năm 2003 với hơn 800 người chết, tuy nhiên không có trẻ em nào được ghi nhận tử vong, phần lớn người chết vì dịch có độ tuổi trung bình trên 45 và đa số là đàn ông. Theo các nghiên cứu và số liệu được cung cấp từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, trong hơn 8000 ca nhiễm SARS chỉ có 135 ca nhiễm ở trẻ em chiếm tỷ lệ 1,6%.
Cũng theo các nhà khoa học, đối với trẻ dưới 12 tuổi, bệnh nhân ít phải đến viện hoặc phải dùng oxy trong điều trị. Các ca bệnh biểu hiện nhẹ, thời gian bệnh ngắn, có các triệu chứng như ho, chảy mũi giống như bệnh viêm hô hấp trên do virus gây ra thông thường. Với trẻ trên 12 tuổi có biểu hiện bệnh giống người lớn, tuy nhiên cũng không có ca nào tử vong được ghi nhận.
So sánh với cúm mùa, một căn bệnh về đường hô hấp khác, các nhà khoa học cũng ghi nhận, rất nhiều trẻ em ở Mỹ bị nhiễm virus cúm mỗi năm, nhưng số ca tử vong vì cúm ở trẻ lại thấp hơn nhiều so với người lớn. Trong mùa cúm 2018-2019 khoảng 7,6 triệu trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 17 bị nhiễm cúm, trong đó có 211 trẻ tử vong, tỷ lệ tử vong nằm ở mức 0,002%. Ngược lại, ước tính có khoảng 11,9 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 18 đến 49 nhiễm cúm, nhưng có đến 2.450 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành là 0,02%.
Tại sao Coronavirus lại ít lây nhiễm ở trẻ em?
Bệnh viêm phổi cấp do coronavirus chủng mới gây ra gần như là một bức tranh hoàn toàn mới cho nền dịch tễ thế giới, vì thế chưa có một nghiên cứu toàn diện về sự tác động của virus Covid-19 đối với trẻ em. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng có 2 giả thuyết giúp trả lời câu hỏi. Thứ nhất, số ca nhiễm bệnh trên trẻ em thấp có thể vì trẻ ít có khả năng bị phơi nhiễm ngay từ đầu. Hoặc nguyên nhân thứ hai có thể vì cơ thể trẻ có một cách phản ứng đặc biệt nào đó với virus. Đó được gọi hệ thống miễn dịch bẩm sinh.
Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại mầm bệnh ngoại lại xâm nhập vào cơ thể. Khi phát hiện ra “kẻ xâm lược” các tế bào trong hệ thống lập tức có phản ứng chống trả. Ở trẻ, hệ thống miễn dịch bẩm sinh diễn ra mạnh mẽ và khi tiếp xúc với Covid-19 có thể phản ứng chống trả lại nhiễm trùng dễ dàng hơn và giúp trẻ chỉ gặp những triệu chứng nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, việc chủng ngừa vắc xin đã được thực hành và triển khai tốt trong nhiều năm qua, trẻ được miễn dịch qua quá trình chủng ngừa đầy đủ và phụ huynh có ý thức trong việc chủ động bảo vệ trẻ.
Hơn nữa, ở người lớn việc nhiễm trùng có thể dễ dàng xảy ra hơn, đặc biệt với những người có tiền sử về bệnh nền mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch… làm suy yếu khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng.
Khả năng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể, vốn rất quan trọng để chống lại virus, cũng suy giảm theo tuổi tác và đặc biệt là sau tuổi trung niên. Đặc biệt với những người trên 50 tuổi, đó là lý do tại sao đối với hầu hết các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus, tỷ lệ biến chứng cao nhất ở người có tuổi.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, Cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết: “Nếu coronavirus lây truyền chủ yếu ở trẻ em, sẽ thật sự là thảm họa. Hiện nay, tỷ lệ trẻ nhiễm virus Covid-19 ở mức thấp là một điều đáng mừng, bởi vì trẻ không tự ý thức được như phải rửa tay, che miệng hay chạm vào người khác hoặc những hành động có thể làm lan truyền virus. Vì thế chúng ta không nên chủ quan, thoải mái để trẻ ra ngoài mà không có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Cần phải dự phòng, tất cả mọi người đều phải được phòng ngừa và thực hiện biện pháp phòng ngừa như nhau”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng đưa ra giả thuyết: “Mặc dù chưa có những kết luận chính xác nhưng thực tế ghi nhận kháng thể tạo ra từ vắc xin phòng bệnh sởi có thể giúp trẻ có miễn dịch chéo với virus họ Corona, hạn chế sự lây lan bệnh cho trẻ”.
Tại Việt Nam, ca bệnh thứ 15 được xác nhận dương tính với Covid-19 là em bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc, đây cũng là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh viêm phổi do virus mới ở nước ta.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ đang được ghi nhận ở mức thấp nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo phụ huynh cần chủ động phòng ngừa cho bé, không được chủ quan trong mùa dịch.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bảo vệ trẻ khỏi virus Covid-19
Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch cho con trong những ngày phải đối mặt với “cơn bão” dịch bệnh corona là trăn trở của rất nhiều bậc phụ huynh. Chia sẻ trong chương trình tư vấn: THÔNG TIN VỀ VIRUS CORONA, CÁC BỆNH HÔ HẤP – CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ” Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, Cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết việc tăng sức đề kháng là việc phải làm liên tục chứ không phải bây giờ có dịch gây ra do Covid-19 mới nghĩ cách tăng sức đề kháng. Ngay cả những bệnh như cúm, tay chân miệng hay những bệnh về hô hấp khác cũng cần phải tăng sức đề kháng.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn cần chú ý:
- Khử khuẩn, vệ sinh tay và các đồ vật xung quanh bé, tránh việc bé thường cầm nắm, bỏ đồ chơi vào miệng vô tình làm lây truyền virus vào cơ thể.
- Tránh tụ tập, đưa bé đến nơi đông người, mang khẩu trang cho bé nếu tiếp xúc với môi trường lạ, đông đúc.
- Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lây nhiễm và nguy hiểm cho cơ thể trẻ em như: Viêm gan siêu vi, sởi, tả, viêm não, cúm, phế cầu…
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lo ngại và muốn trì hoãn lịch tiêm chủng của bé, theo ThS. BS Bùi Ngọc An Pha – Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết: Với trẻ đúng độ tuổi tiêm chủng, việc tiêm chủng đúng thời điểm, đúng lịch là rất quan trọng để kịp thời phòng bệnh, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang lan tràn.
- Thứ 1, là giúp không bị nhiễm các bệnh khác (ngoài Covid-19 để không nhầm lẫn giữa các triệu chứng và không gây lo lắng cho cộng đồng. Ví dụ, một số bệnh có triệu chứng rất giống với nhiễm Covid-19 như cúm, các bệnh đường hô hấp… Nếu thời điểm này bị ho hay sốt, chúng ta sẽ rất bối rối không biết triệu chứng này là do Covid-19 hay do bệnh khác.
- Thứ 2 tiêm vắc xin sẽ phòng đúng bệnh, tránh trường hợp không may bị nhiễm cả 2 bệnh cùng lúc sẽ rất nguy hiểm và khó điều trị.
VNVC trong thời gian gần đây, ngoài việc tăng cường khử khuẩn tại trung tâm, tất cả cán bộ nhân viên đều đeo khẩu trang, quy trình khử khuẩn được tăng lên 2-3 lần/ngày. Đặc biệt, các đơn vị làm việc được tăng cường dung dịch khử khuẩn bằng tay nhanh. Đây là quy trình để góp phần hạn chế và đưa các nguy cơ về số 0, không chỉ với các bệnh gây ra do Covid-19 mà còn với tất cả các bệnh nói chung, vì vậy phụ huynh nên yên tâm cho con tiêm chủng đúng lịch.
VNVC có đầy đủ các loại vắc xin được nhập khẩu và cung cấp từ những nhà sản xuất uy tín trên thế giới, với hệ thống bảo quản chuyên nghiệp mang đến cho khách hàng nguồn vắc xin đa dạng, chất lượng và uy tín.
VNVC luôn nỗ lực hết sức để mang đến cho khách hàng dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng và cao cấp với giá thành hợp lý.
Để được tư vấn và đặt lịch tiêm vắc xin, Quý Khách có thể đăng ký tại đây hoặc gọi vào hotline 028.7300.6595, nhắn tin cho Fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc liên hệ trực tiếp hệ thống các trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước.