Hầu hết do thiếu thông tin và sự hiểu biết còn hạn chế, nên hầu hết mọi người thường nhầm lẫn SXH với các bệnh khác. Đó là trường hợp vợ chồng anh Cường quê ở Thanh Hóa trong thời gian đưa con vào TP.HCM chơi. Khi thấy con gái 11 tuổi mệt mỏi bỏ ăn, họ cứ nghĩ là cháu bị cảm cúm thường. Đến ngày thứ hai, họ mới cho con uống thuốc cảm sốt vì cứ nghĩ cháu bị cảm do mắc mưa khi đi chơi Thảo cầm viên. Sau 4 ngày thấy con sốt li bì, toàn thân rã rời anh Cường nghi SXH nên làm “phép thử” bằng cách cột dây vào tay thì có hiện tượng xuất huyết dưới da. Tại BV Nhi Đồng 2, cháu được các BS khoa Khám bệnh chẩn đoán là SXH, tiểu cầu sụt giảm rõ rệt. Theo BS nếu để cháu thêm vài ngày có thể bị suy đa tạng, sốc thoát huyết tương do xuất huyết nặng. BS Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 TP.HCM trao đổi, nếu SXH nặng suy đa tạng thì BN có thể tử vong do khó điều trị.
Theo BS Việt, có những triệu chứng ban đầu của SXH giống như cảm cúm nên chúng ta thường hay nhầm lẫn. Và điều đáng tiếc đây là sự nhầm lẫn chết người vì SXH chuyển biến từ nhẹ sang nặng rất nhanh và có thể gây sốc. Cũng vì có chuyện nhầm lẫn này mà người nhà tự cho BN uống thuốc cảm sốt như Aspirin, Analgin, Ibuprofen vì những thuốc này dễ hạ sốt nhưng lại gây xuất huyết. Đó là trường hợp bé trai ở Long An nhập viện trong tình trạng tiêu phân đen, nôn ra máu, đau bụng vùng thượng vị. Trước đó 4 ngày, bé bị sốt cao nên được mẹ cho uống liên tục thuốc Aspirin pH8 do thấy giảm sốt. BS. Hồ Văn Cưng. BV Đa khoa tỉnh Long An khẳng định, dù có tác dụng hạ sốt nhưng loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn, gây xuất huyết dạ dày de dọa tính mạng con người. Ngoài ra, một số bệnh về máu có xuất huyết dưới da, sốt phát ban, bệnh ngoài da có ban hồng sắc cũng dễ bị “lộn” với SXH. Do đó nếu tự “chẩn đoán” và tự mua thuốc điều trị thì việc chữa bệnh vô cùng khó khăn và rất nguy hiểm đến tính mạng BN.
Hiểu sai về SXH
Lại có người quan niệm hết sốt là hết bệnh, tuy nhiên đối với bệnh SXH thì không phải thế. Có người thấy hết sốt cứ đinh ninh là bệnh thuyên giảm nhưng thực ra SXH vẫn còn “ủ” bệnh. Đã có trường hợp bệnh nhân nhập viện tuy hết nóng hết sốt nhưng vẫn còn chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
Nhiều người cứ quan niệm, bị SXH một lần sẽ không bị lại. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Có người thắc mắc tôi đã từng bị SXH cách đây mấy năm sao bây giờ còn tái phát? Rõ ràng đây chính là lỗ hổng lớn về kiến thức y khoa nên hay chủ quan coi thường căn bệnh do loài muỗi gây ra. BS Cưng khẳng định, đúng là SXH tạo miễn dịch suốt đời ai đã mắc rồi thì không “dính” lại. Nhưng vi rút gây ra SXH hiện nay có tới 4 chủng loại vì thế dù đã bị lần đầu thì không có gì bảo đảm bạn sẽ không mắc lại bởi một chủng vius gây SXH khác. Cách tính này cho thấy một người có thể mắc 4 lần SXH trong đời.
“Khi bệnh nhẹ không sốt cao, thể trạng không nặng nề, đi cầu bình thường thì có thể tự điều trị tại nhà. Cần cho uống nước bù và điện giải. Chỉ uống thuốc hạ sốt Paracetamol không dùng thuốc Aspirin, kháng viêm không steroid vì khó cầm máu. Khi có ban xuất huyết nhiều, sốt cao, đau gan trụy mạch phải kịp thời đưa ngay vào BV” - BS Việt khuyến cáo. |
Khác với các căn bệnh lây qua đường tiếp xúc, SXH chỉ lây qua vết đốt của muỗi vằn. Thế nhưng nhiều người cứ cho rằng căn bệnh này lây qua đường hô hấp hay dịch tiết kể cả bắt tay hay lại gần vì thế người bị SXH phải bị cách ly. Điều này thiếu cơ sở khoa học và sự hiểu biết về đường lây SXH còn lệch lạc. Thủ phạm của SXH là loại muỗi vằn sau khi chích hút máu người bị SXH lại chích hút máu người khỏe mạnh thế là làm cho người lành lây bệnh. Cho nên cách tốt nhất là diệt trừ muỗi vằn, vệ sinh nguồn nước, không cho lăng quăng sinh sôi nảy nở, nằm ngủ mắc màn, phát quang bụi rậm, làm sạch ao tù nước đọng.
Cũng có người chủ quan coi thường SXH như các loại bệnh nóng sốt khác, tự ý mua thuốc về nhà điều trị, không đưa tới cơ sở y tế kịp thời làm cho việc cứu chữa khó khăn hơn và nguy kịch đến tính mạng. “Khi bệnh nhẹ không sốt cao, thể trạng không nặng nề, đi cầu bình thường thì có thể tự điều trị tại nhà. Cần cho uống nước bù và điện giải. Chỉ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, không được dùng thuốc Aspirin, kháng viêm không steroid vì khó cầm máu. Khi có ban xuất huyết nhiều, sốt cao, đau gan trụy mạch phải kịp thời đưa ngay vào BV” - BS Đỗ Châu Việt khuyến cáo.