Hút mũi cho bé: 3 bước và 4 nguyên tắc mẹ cần biết
Không khí ô nhiễm và sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến cho trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, gây ra các tình trạng sổ mũi, ngạt mũi, khó thở do có đờm,... Vì vậy, các phương pháp vệ sinh mũi như cách rửa mũi cho bé hay hút mũi cho bé luôn là vấn đề mà mẹ bỉm đặc biệt quan tâm. Hãy cùng Huggies tìm hiểu việc hút mũi cho bé đúng cách trong bài sau mẹ nhé!
Tham khảo: Cách trị sổ mũi cho bé sơ sinh
Khi nào thì cần hút mũi cho trẻ?
Trẻ nhỏ thường bị nhiễm lạnh, cảm cúm, làm xuất hiện các tình trạng ngạt mũi, sổ mũi khó thở do chất nhầy và đờm chứa đầy trong các khoang miệng, xoang mũi. Những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi lại không biết cách để khạc ra đờm. Vì vậy, hút mũi là phương pháp được ưu tiên lựa chọn để giúp các bé thông thoáng đường thở. Ở những trẻ lớn, khi trẻ có thể nhận biết được cách khạc đờm theo hướng dẫn của người lớn thì việc hút mũi chỉ áp dụng khi trẻ mắc các bệnh lý nặng như co giật, hôn mê,...
Gặp các trường hợp dưới đây, mẹ cần nên hút mũi cho trẻ:
- Trẻ còn nhỏ tuổi, bị khò khè khó thở nhưng không có khả năng tự hỉ mũi, tự khạc nhổ đờm ra ngoài.
- Trẻ nhỏ cần nhiều khí oxy hơn để đảm bảo sự thở.
- Khi trẻ gặp các vấn đề về hô hấp gây khó khăn đồng thời về sự thở và ăn uống như: Ho có đờm xanh, đờm đặc khó lấy ra, cúm ngạt mũi, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm mũi dị ứng tăng tiết đờm...
- Trẻ sốt cao, từng có biểu hiện hôn mê, co giật hay bị khó thở.
Tuy nhiên, các mẹ cũng nên lưu ý chỉ được hút mũi cho trẻ khi đã có chỉ định của bác sĩ.
Nếu dịch mũi không quá nhầy và đặc, thay vì hút mũi, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) áp dụng cách rửa mũi cho bé theo các bước như sau:
- Đặt trẻ lên giường, kê đầu bằng khăn mỏng (không kê quá cao), đầu nghiêng sang 1 bên.
- Lót khăn ở cổ trẻ để thấm hút nước muối sinh lý chảy ra ngoài trong lúc rửa mũi.
- Nhỏ vào mũi trẻ từ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý và đợi vài phút để dịch mũi loãng ra. Dùng tăm bông để thấm hút dịch bên trong mũi của trẻ. Nhỏ và thấm hút tương tự với bên mũi còn lại.
- Bước trên có thể cần lặp lại 2 – 4 lần vì dịch mũi còn ứ đọng bên trong. Mẹ cần cẩn thận để tránh làm xây xước niêm mạc mũi của trẻ dẫn đến chảy máu.
- Dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ngoài lỗ mũi và loại bỏ gỉ mũi cho bé
Tham khảo: Cách chữa sôi bụng ở trẻ sơ sinh
Cách hút mũi cho trẻ đúng chuẩn
Hút mũi cho trẻ không khó, chỉ cần mẹ tuân thủ theo 3 bước sau đây:
Bước 1: Làm ẩm mũi trẻ
Bước đầu tiên là mẹ đặt con nằm xuống và nghiêng đầu bé một chút, dùng nước muối sinh lý dành cho trẻ NaCl 0,9% nhỏ vào mũi trẻ. Sau đó, chờ khoảng 30 – 60s để làm ẩm và lỏng các chất nhầy trước khi hút ra. Không nên để quá lâu vì nếu chúng khô lại sẽ khiến cho việc hút ra khó khăn hơn và khiến bé bị đau.
Bước 2: Tiến hành hút mũi
Mẹ đặt bé nằm trên gối rồi dùng dụng cụ hút mũi cho bé, lưu ý dụng cụ này phải được tiệt trùng làm sạch trước khi dùng. Mẹ phải thực hiện thao tác này hết sức nhẹ nhàng vì mũi của bé rất dễ bị tổn thương bởi các tác động mạnh.
Sau khi đã hút xong một bên, mẹ cần loại bỏ hết chất nhầy trong ống trước. Bóp mạnh để đẩy hết dịch bẩn ra ngoài, sau đó dùng nước hoặc khăn giấy để vệ sinh phần đầu ống.
Một số bé lần đầu tiên được hút mũi sẽ có phản xạ nôn ói do nước muối, chất nhầy chảy xuống họng. Hiện tượng này sẽ hết khi bé đã quen dần nên mẹ không cần quá lo lắng.
Sau khoảng 5 -10 phút, nếu bé vẫn còn nghẹt mũi thì mẹ có thể thực hiện thêm lần nữa nhưng không nên thực hiện quá 2-3 lần/ngày. Vì lực hút sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi gây tổn thương, giảm khả năng cản trở bụi bẩn, thậm chí làm tình trạng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Bước 3: Vệ sinh dụng cụ hút
Khi đã hút mũi xong, các mẹ cần nhớ vệ sinh các dụng cụ bằng xà phòng, xả lại nhiều lần với nước ấm, cọ rửa để làm sạch, sau đó cất vào nơi cao ráo, sạch sẽ.
Tham khảo: Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt và khắp người
Nguyên tắc khi vệ sinh mũi cho trẻ mẹ chớ quên
Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Không được tự ý hút mũi cho trẻ nếu như không tham khảo ý kiến hoặc không có chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối không dùng miệng hút mũi cho bé
Nhiều mẹ lo rằng dụng cụ hút mũi có thể gây tổn thương cho bé nên trực tiếp dùng miệng để hút chất dịch ra ngoài. Tuy nhiên các bác sĩ lại cảnh báo rằng mẹ không nên áp dụng cách làm này để làm sạch mũi cho bé.
Những loại vi khuẩn có trong khoang miệng của mẹ có thể lây truyền trực tiếp sang cho bé. Cơ thể trẻ rất yếu ớt, các kháng thể tự nhiên của bé không đủ sức để chống chọi với các loại vi khuẩn này.
Không lạm dụng việc hút mũi
Theo các chuyên gia thì mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ từ 2 – 3 lần/ngày và không nên lạm dụng, nhất là nước rửa mũi, vì khi dùng quá thường xuyên có thể làm mỏng niêm mạc mũi sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác của bé.
Không hút mũi cho trẻ vừa ăn no
Không hút mũi cho bé khi vừa ăn no xong vì dễ gây ói mửa. Thời gian hoàn hảo để hút mũi là sau khi ăn 30 phút hoặc lúc bé đang ngủ.
Nếu hút mũi cho bé trong 3 ngày nhưng không thấy đỡ thì mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa vì có thể trẻ bị các bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản…
Tham khảo: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ
Có nên thường xuyên hút mũi trẻ cho sạch?
Trong bệnh viện, các nhân viên y tế sẽ sử dụng máy hút để hút đờm trong các trường hợp bị viêm phổi hay viêm tiểu phế quản. Với áp lực ổn định của máy, lực hút mạnh hơn có thể gây nên tình trạng tổn thương xuất huyết niêm mạc, chảy máu sau và trong khi hút đờm. Do đó, việc này phải được thực hiện bởi những nhân viên y tế có chuyên môn.
Đối với các trẻ không nhập viện, được chăm sóc tại nhà, có thể được chỉ định hút mũi bằng các dụng cụ hỗ trợ như dụng cụ hình chữ V, hút mũi bằng ống bơm. Các thao tác này chỉ được phép thực hiện khi đã có hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng không nên lạm dụng việc hút mũi cho trẻ vì nó có thể gây tổn thương rất nhiều cho niêm mạc mũi họng của trẻ.
Thậm chí, vệ sinh mũi cho trẻ sai cách có thể dẫn đến việc trẻ bị viêm tai, ứ dịch nặng dẫn đến xoang hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là bị điếc.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ biết hút mũi cho bé sao cho đúng cách. Để tìm hiểu thêm các thông tin khác, mẹ có thể tham khảo tại chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia.