TIÊU CHẢY CẤP DO VIRUS ROTA: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Bài viết dưới đây có sự tư vấn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Hiền Minh – Trợ lý Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng dành cho Trẻ em và Người lớn VNVC.
Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có 1 trường hợp là do virus Rota gây ra. Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị mất nước nặng vì vừa nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần/ngày. Uống ngừa sớm vắc xin phòng bệnh ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được phòng ngừa chủ động đối với tiêu chảy cấp do virus rota bên cạnh việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ.
Mỗi năm trên thế giới, tiêu chảy cấp do Rotavirus tước đi sinh mạng của hơn 600.000 trẻ em. Con số này chiếm tỷ lệ đặc biệt cao ở các nước đang phát triển. Đáng nói, đây là bệnh có thể ngừa được bằng vắc xin nhưng không nhiều trẻ em được chủng ngừa.
Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh: “Ở các nước nhiệt đới, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra quanh năm. Bệnh thường lây nhiễm qua đường tiêu hóa với khả năng lây nhiễm rất cao trong đó đường truyền phổ biến là phân – miệng.Trẻ chỉ cần một lượng nhỏ virus là đã mắc bệnh, trong khi đó trẻ nhiễm Rotavirus có thể đào thải theo phân ra ngoài lượng virus lên đến khoảng 10 ngàn tỷ một lần”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng I TPHCM, đồng thời là Cố vấn cao cấp Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết: hằng năm, Bệnh viện Nhi Đồng I cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng tiêu chảy cấp mất nước nhiều, kèm theo viêm phế quản, viêm mũi họng… đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Khi được hỏi đến, đa số phụ huynh xác nhận con mình chưa được uống vắc xin ngừa virus Rota hoặc đã qua tuổi uống vắc xin phòng bệnh.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là gì?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.
Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ nguy cơ nhiễm bệnh càng cao vì vậy bệnh thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng. (*)
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu đã xác định vi rút Rota là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9. Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm vi rút Rota. Hàng năm, số trẻ chết do vi rút Rota chiếm từ 4-8% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi bị chết vì mọi nguyên nhân. (*)
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus
Trẻ khi bị nhiễm Rotavirus có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do Rotavirus bao gồm:
- Nôn mửa: Đây là dấu hiệu đầu tiên, trẻ nôn mửa rất nhiều trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, triệu chứng này sẽ giảm dần trước khi tiêu chảy xuất hiện.
- Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày.
- Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.
- Trẻ sút cân do mất nước, ăn uống kém.
- Một số trẻ còn có dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi…
Rotavirus lây truyền như thế nào?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm virus Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em cũng thường bị nhiễm virus Rota qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.
Trẻ nhiễm virus Rota đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này.
Một số yếu các yếu tố làm tăng nguy mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm:
- Tiếp xúc với nguồn bệnh bao gồm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn… có nhiễm virus Rota.
- Trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh: Đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo…
- Nguồn nước bị nhiễm virus Rota.
- Xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý phân và chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách cũng gây nguy cơ mắc bệnh.
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến, trước khi cho trẻ ăn.
Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus điều trị như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Bù nước qua đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp vẫn là phương pháp điều trị cơ bản.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường có triệu chứng nặng, gây nôn mửa nhiều nên việc điều trị sẽ gặp khó khăn. Trong trường hợp không thể bù dịch bằng đường uống, trẻ cần nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cho biết, hiện nay cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus là vắc xin. Vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được uống vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây là loại vắc xin uống ngừa được tiêu chảy cấp gây ra do Rotavirus, trong khi đó bệnh tiêu chảy có rất nhiều tác nhân khác gây ra. Do đó, sau khi cho trẻ uống vắc xin, phụ huynh cũng nên tuân thủ quy tắc vệ sinh như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Lịch uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus
Vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus dành cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi. Lịch uống phụ thuộc vào từng loại vắc xin. Hiện tại, Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có 2 loại vắc xin ngừa Rotavirus gồm:
- Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rotavirus trước 24 tuần tuổi.
- Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.
(*) Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.