Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Đối với các dân tộc Mường, Tày, Hmông, Thái... ném còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân.
Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẽ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Các quả còn khác của các gia đình lúc này mới được tung lên như những con chim én.
Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).
Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài hò reo cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích. Trò vui này mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm - dương, mùa màng tươi tốt.