Việc giáo dục con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ở mỗi giai đoạn phát triển, yêu cầu các bậc cha mẹ phải có phương pháp giáo dục khác nhau. Vì vậy, người ta mới nói: "Không có nghề nào khó bằng nghề làm cha mẹ". Lúc nhỏ, cha mẹ phải quan tâm sát sao đến sức khoẻ của con; khi con lớn lại lo chuyện học tập; con bước vào độ tuổi dậy thì lo giáo dục giới tính, định hướng công việc.
Nhưng con cái thường hay khó chịu, bực dọc trước những lời nói, cử chỉ quan tâm của cha mẹ. Trẻ thường cảm thấy cha mẹ thật phiền phức. Chỉ đến khi trưởng thành, chúng mới ao ước được quay về tuổi thơ, khao khát được chở che.
Hóa ra, sự nghiêm khắc, những lời trách móc của cha mẹ là một kiểu hạnh phúc, giúp con cái tránh khỏi cạm bẫy cuộc đời. Khi khôn lớn, những đứa trẻ mới biết quý trọng và hối hận vì bản thân từng ngang bướng cãi lời.
Ảnh minh hoạ.
Mới đây, câu chuyện của một người mẹ giấu tên tại Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Cô ấy có một cậu con trai 8 tuổi, hiện đang học tiểu học. Từ nhỏ, cậu bé đã có thành tích học tập tốt, luôn ngoan ngoãn, lễ phép. Muốn con phát triển thêm nghệ thuật nên người mẹ đăng ký cho con học piano. Cô ấy hy vọng con sẽ biến việc chơi piano thành tài lẻ giúp ích bản thân.
Người mẹ không tiếc tiền để mời giáo viên về tận nhà dạy đàn cho con. Vào cuối tuần, cô cũng dành thời gian cùng con ôn luyện. Nhưng cậu con trai không hề tỏ ra hứng thú, chỉ chơi đàn một cách miễn cưỡng. Một lần, thấy con luyện tập mãi mà không tiến bộ, người mẹ đã nặng lời: "Sao con học mãi mà không tiến bộ vậy? Con vô dụng quá!". Cậu bé chẳng hề tỏ ra lo lắng hay sợ hãi, còn gằn giọng với mẹ: "Mẹ đủ khả năng thì mẹ tự đi mà chơi".
Nghe con nói vậy, người mẹ sững sờ, không thốt lên lời, mắt đỏ hoe. Cô ấy đỏ bừng mặt bởi vừa tức giận lại vừa xấu hổ. Thật ra, cô ấy không hề biết chơi đàn piano nên chỉ có thể đốc thúc con học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Có lẽ điều này đã khiến con trai coi thường mẹ. Càng nghĩ, người mẹ càng cảm thấy hổ thẹn vì không dạy được con.
Vậy cha mẹ có cần biết hết tất cả mọi thứ mới có thể dạy con? Một số người cho rằng cậu bé nói có phần đúng, bởi thật sự người mẹ không hề có kiến thức piano. Thực tế khi gặp tình huống này, cha mẹ không cần mắng trẻ mà có thể nói: "Ồ, đúng là mẹ không biết piano, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!".
Cha mẹ không phải là người biết hết mọi thứ. Hãy thể hiện sự yếu kém của bản thân một cách khéo léo và nhờ con hỗ trợ. Nhờ đó, trẻ sẽ hào hứng trong việc học tập và có tinh thần trách nhiệm hơn.
Một câu chuyện khác cũng khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ. Tiểu Hoa nhận được lời mời đến chơi nhà của một người bạn thân thời đại học. Bạn cô có cậu con trai 6 tuổi, trông rất đáng yêu. Vừa thấy khách đến, cậu bé vội chạy ra cất dép vào tủ, mời khách ngồi xuống ghế sô pha. Hành động lễ phép này cho thấy cậu bé được giáo dục cẩn thận từ nhỏ.
Trong khi nấu cơm đãi Tiểu Hoa, cô bạn thân đã nói với đứa trẻ:
"Con trai, có vẻ như mẹ chưa chọn được món ăn, con giúp mẹ lựa chọn nhé!". Một lát, cô ấy lại nói vọng ra:
"Con ơi, túi muối mẹ để đâu nhỉ? Con có thể giúp mẹ tìm không?". Thấy cậu bé ngoan ngoãn làm theo lời mẹ, Tiểu Hoa ngạc nhiên lắm! Cô không ngờ cậu bé mới 6 tuổi đã biết làm rất nhiều việc.
Bạn thân Tiểu Hoa chia sẻ rằng, ngay khi con trai còn nhỏ đã rèn giũa con phụ mẹ làm việc nhà. Cách này giúp con nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh mắc phải thói thờ ơ, vô cảm. Hơn thế, trẻ sẽ biết quan tâm và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Chắc chắn, một đứa trẻ ngoan ngoãn, ấm áp sẽ dành trọn cảm tình từ người đối diện
Giáo sư Tâm lý học tội phạm và Nuôi dạy con cái nổi tiếng của Trung Quốc - Lý Mai Cần cho biết: "Khi con bước sang tuổi 12, cha mẹ cần thay đổi phương pháp giáo dục. Lúc này, những đứa trẻ không còn sợ lời đe nạt nữa. Muốn con nghe lời, hãy nói với con những lời nhẹ nhàng, tình cảm. Bởi sau 12 tuổi, tâm lý trẻ thay đổi nhiều. Đây là độ tuổi "nổi loạn" nên cha mẹ càng dùng vũ lực hay quát mắng lại càng trở nên vô ích".
Giáo sư Lý Mai Cẩn.
Có những lúc, cha mẹ cần khéo léo tỏ ra không biết việc này việc kia. Hãy nhờ con giúp đỡ để trẻ thể hiện vai trò và tầm quan trọng của mình. Ngoài ra, cha mẹ có thể đưa ra lời đề nghị cùng con giải quyết một vấn đề hóc búa. Cách này đem lại hiệu quả hơn so với việc bắt ép con học, bắt ép con làm những việc con không thích.
Cho con làm một số việc là cách giúp con tự lập, cha mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Khi con hoàn thành, cha mẹ đừng quên dành lời khen ngợi nhằm cổ vũ tinh thần. Quá trình trẻ trưởng thành là việc dần dần rời xa sự bao bọc. Không cha mẹ nào có thể bên con cả ngày, giúp con làm mọi việc. Vì vậy, hãy để con chủ động làm một số việc trong khả năng dưới sự giám sát cẩn thận.