1. Tôn trọng, không áp đặt trẻ
Montessori là phương pháp có nguyên tắc quan trọng về “Tôn trọng quyền tự do của trẻ khi chọn cách học”. Ở các lớp học Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích theo nhịp độ phát triển của từng trẻ, ưu tiên sự phát triển tính tập trung và cá nhân.
Việc các thầy cô hoặc cha mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, bắt trẻ phải học theo ý mình hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc Montessori, điều này sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có. Vì thế, hãy để cho trẻ được tự do khám phá trong nhà và ngoài trời theo cách riêng của mình, miễn sao trẻ được đảm bảo an toàn. Hãy để con trẻ tiếp thu những cái mới một cách tự nhiên theo hướng trẻ muốn. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự lập và kích thích trí tuệ của trẻ phát triển tốt hơn.
2. Học tập luôn luôn đi đôi với thực hành
Cách tốt nhất giúp cho trẻ vận dụng tốt được những điều học được là để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn trong nhà trường. Trẻ có xu hướng bắt chước những hoạt động mà bản thân quan sát được. Do đó, mục đích chính của phương pháp giáo dục Montessori là chỉ ra cách thực hiện các nhiệm vụ, để trẻ phát triển bằng cách tự thực hiện chúng.
Trong các hoạt động thực hành trong cuộc sống, trẻ sẽ được trải nghiệm những kỹ năng thực tế như lấy nước, tự mặc và cởi giày dép, quần áo, để giày dép đúng nơi quy định, thói quen ăn uống lành mạnh hay ý thức bảo vệ môi trường xung quanh bằng cách giữ cho lớp học sạch đẹp, tưới cây, bỏ rác đúng nơi quy định…
Ngoài ra, trẻ cũng được dạy một số thói quen tốt trong cuộc sống thường ngày như chờ đợi đến lượt mình hay đưa ra những lời nhận xét có tính chất xây dựng tích cực và biết lắng nghe người khác nói. Những kỹ năng này sẽ giúp các con trở nên tự tin, chủ động và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.
3. Môi trường học thân thiện, không tồn tại phần thưởng hay trừng phạt
Theo các phương pháp giáo dục truyền thống, tặng quà – khen thưởng cho trẻ thưởng để khuyến khích trẻ đạt tới thành tích nào đó và trừng phạt khi trẻ phạm lỗi bằng việc la mắng, so sánh với các bạn khác là hai hình thức được áp dụng rất nhiều từ trước đến nay.
Tuy nhiên, giáo dục trẻ mầm non theo phương pháp Montessori không tồn tại hình thức này và không trao thưởng hay trừng phạt. Nếu trẻ làm sai một việc nào đó, Chúng ta sẽ minh họa cách làm đúng cho trẻ hiểu. Nên khích lệ, động viên và ghi nhận sự cố gắng của trẻ thay vì sẽ trao thưởng, khen ngợi. Không nên nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy tập trung giúp trẻ nhận thức được những việc trẻ làm chưa đúng và sửa lại cho phù hợp.
4. Không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ
Khi thấy trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi nào đó, chúng ta không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt cần phải. Trẻ cần sự tập trung nhất định để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết được vấn đề gặp phải trong lúc chơi.
5. Thiên nhiên truyền cảm hứng cho trẻ
Theo tiến sĩ Maria Montessori nhận định, thiên nhiên giúp cho trẻ nhận thức được thực tế tốt hơn rất nhiều. Có rất nhiều hoạt động học tập và các cuộc phiêu lưu kỳ thú dành cho trẻ diễn ra ngoài trời với không khí trong lành thay vì ở tại lớp học hoặc trong nhà.
6. Giáo viên, ba mẹ chỉ là người hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ
Với phương pháp Montessori, trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập. Nhà trường và gia đình phải chú trọng khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Thầy cô giáo hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình.