Giá !important;o dục Montessori được coi là một di sản tuyệt vời của của tiến sỹ Maria Montessori vì bất kỳ ai cũng có thể ứng dụng phương pháp giáo dục này trong việc nuôi dạy trẻ. Từ một lớp học mang tên "Nhà trẻ thơ" (Casa Dei Bambini) do bà Maria sáng lập lần đầu tiên vào năm 1907 với những học sinh đầu tiên là vài chục đứa trẻ trong một khu lao động nghèo khó nhất của thủ đô Roma (Italia), phương pháp Montessori đã phát triển và vươn ra khắp mọi quốc gia trên thế giới. Nửa cuối những năm 1960 đánh dấu thời kỳ hồi sinh của phương pháp giáo dục Montessori trên toàn thế giới. Kể từ thời điểm đó, phương pháp giáo dục này đã được áp dụng trong nhiều nhà trẻ, trường học.
Tùy theo từng chủ đề, chủ điểm mà các cô giáo sẽ chuẩn bị chương trình học phù hợp với trẻ để đáp ứng nhu cầu khám phá, học hỏi của trẻ.
Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức về văn hóa, khoa học, xã hội. Tổ chức AMI (Hiệp Hội Montessori Quốc tế) và AMS (Hiệp Hội Montessori Mỹ) đã nêu ra đặc trưng của phương pháp học Montessori như sau:
- Lớp học ghép các lứa tuổi lại với nhau trong các nhóm trẻ từ 0-3 tuổi và từ 3-6 tuổi.
- Trẻ tự lựa chọn hoạt động (trong danh sách các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch, chuẩn bị trước).
- Trẻ không bị ngắt quãng hay làm phiền trong quá trình học hỏi, trải nghiệm.
- Học sinh học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ phía giáo viên.
- Các học cụ giáo dục đặc biệt được bà Maria Montessori cùng các đồng sự nghiên cứu, sáng tạo và phát triển.
Có rất nhiều điểm tạo nên sự khác biệt giữa một lớp học (trường học) theo phương pháp Montessori và một lớp học (trường học) truyền thống. Dưới đây là một số khác biệt nổi bật nhất làm nên sự tuyệt vời của phương pháp giáo dục này.