6 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em và cách phòng tránh đơn giản mà hiệu quả
Da trẻ em rất non nớt nên dễ bị nhiễm một số bệnh ngoài da. Vì vậy, người lớn cần coi trọng và hiểu biết một số cách dự phòng để bảo vệ làn da cho bé.
BookingCare là nền tảng đặt lịch khám bệnh đem đến giải pháp giúp cho việc khám bệnh trở nên thuận tiện, dễ dàng, chính xác, hiệu quả (với hơn 100 bệnh viện, hơn 600 bác sĩ chuyên khoa giỏi).
Bác sĩ khám da liễu cho bé
Da liễu là nhóm bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em trong cộng đồng ở nước ta. Trong đó, ở trẻ em thường gặp một số bệnh da liễu do da trẻ còn non nớt và cần được phòng tránh đúng cách.
6 bệnh ngoài da hay gặp ở trẻ em:
1. Chàm sữa
Thường gặp ở trẻ sau 3 tháng tuổi. Biểu hiện bệnh là những mụn nhỏ li ti xuất hiện ở hai bên má rồi lan đến cằm và trán. Chúng nhanh chóng vỡ ra khiến cho da trở nên đỏ và bị rớm dịch.
Nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, những vết vỡ sẽ bị đóng vảy, da trẻ đỏ nhiều hơn, trẻ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, có người cho rằng bệnh nổi theo tuần trăng.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ em khá phức tạp, khó phát hiện được, người ta cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh này. Nhưng bệnh này không nguy hiểm lắm, đến khoảng 2 tuổi, bệnh có thể biến mất mà không để lại dấu vết gì.
Cách chăm sóc
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ (có thể kê toa kem chống viêm và thuốc kháng histamin).
- Nhận biết nguyên nhân chứng bệnh ngoài da eczema (bác sĩ tư vấn): chó, mèo, bột giặt, thức ăn…để phòng tránh tiếp xúc.
- Thoa kem làm mềm da cho trẻ và cắt móng tay thật ngắn để trẻ không cào làm tổn thương da.
- Cho trẻ mặc quần áo bằng cotton, đừng cho bé mặc đồ len.
- Đảm bảo quần áo trẻ phải được xả nước thật kỹ để không còn dấu vết bột giặt hay nước xả vải.
- Tránh nước, tránh dùng xà bông nếu bắt buộc phải tắm nên thêm thuốc thoa dạng dịch lỏng sệt (Cataphil) vào bồn tắm.
2. Chốc lở
Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Đây là do sự nhiễm khuẩn da nguyên phát do liên cầu khuẩn hoặc vi khuẩn tụ cầu gây ra. Tổn thương thường xuất hiện ở vùng đầu, mặt, cổ.
Chốc có thể lan sang vùng kế cận, gây viêm hạch bạch huyết gần đó. Sau khi bong vảy, thường để lại vết thâm lâu dài.
Cách chăm sóc
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kê toa kem/thuốc kháng sinh và đồ băng bó.
- Rửa sạch vùng da đóng vảy cứng bằng nước ấm và thấm khô.
- Sử dụng khăn mặt và khăn tắm “loại dùng một lần rồi bỏ” để tránh lây bệnh.
- Nên cho trẻ nghỉ học tới khi khỏi hẳn vì chốc lở rất dễ lây.
3. Mụn nhọt
Đây là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh, chủ yếu do tụ cầu gây nên. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo.
Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, giảm mức độ ăn ngủ.
Trẻ sống trong môi trường ẩm thấp, nóng nực, tình trạng vệ sinh kém và sử dụng nhiều chất ngọt, uống ít nước, ăn ít rau xanh, trái cây thì rất dễ mắc bệnh.
Cách chăm sóc
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có một trong các dấu hiệu như có nhiều ung nhọt, có dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng, nhọt đau nhiều, sau 2-3 ngày nhọt không bể ra.
- Nếu ung nhọt nhẹ có thể dùng cồn 70-90 độ hay thuốc sát trùng chấm nhẹ nhẹ vào vùng nổi nhọt ở và che kín bằng một miếng gạc băng bó.
- Không nên cố làm cho nhọt vỡ ra. Vì sẽ rất đau và làm nhiễm trùng lan rộng.
4. Ghẻ
Da trẻ rất non nớt, vì vậy nếu trong gia đình có người bị ghẻ thì trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng thường thấy là các mụn nước ở kẽ tay, chân, vùng bụng, bộ phận sinh dục, ngứa nhiều về ban đêm khiến trẻ quấy khóc.
Cách chăm sóc
- Bệnh ghẻ ở trẻ em cần được điều trị sớm để tránh lây nhiễm ra cộng đồng, cần điều trị đồng thời cả người chăm sóc trẻ.
- Phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, trẻ đang mắc bệnh, không ngủ chung, không dùng chung quần, áo, chăn màn.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: kẽ các ngón tay, bẹn, rốn...
- Nếu trong gia đình hay tập thể có người bị bệnh, cần điều trị dứt điểm để tránh lây lan.
5. Viêm da do tã lót
Bệnh thường thấy ở trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi, hay gặp hơn ở những bé gái và trẻ em béo.
Trẻ nuôi dưỡng bằng sữa bò có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ bú mẹ do phân của những trẻ này có nồng độ pH cao hơn những trẻ được bú mẹ.
Biểu hiện của bệnh là các dát đỏ ở vùng tiếp xúc với quấn tã như mông, đùi trên, bụng dưới… Da vùng quấn tã có các biểu hiện cấp tính như các dát màu đỏ tươi, bóng, tiết dịch, sau đó bong vảy.
Bệnh còn có các biểu hiện khác như đỏ da, vảy nến, u hạt lan toả, giảm sắc tố, vết trợt và có thể gây tổn thương vùng sinh dục, viêm hạch bẹn, đặc biệt ở trẻ nam gây viêm nhiễm hệ tiết niệu cấp tính.
Cách chăm sóc
- Giữ vùng da bị viêm sạch, không gãi và không cho vùng này tiếp xúc với xà bông và thuốc tẩy rửa.
- Vệ sinh cơ thể là biện pháp phòng bệnh quan trọng
- Các bà mẹ cần chú ý thay tã lót thường xuyên, lau khô vùng bẹn và mông bằng nước ấm sau khi trẻ đi đại, tiểu tiện.
- Nên hạn chế dùng bỉm và phải thay thường xuyên.
- Mặt khác, cần cho trẻ uống đủ nước, tập cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây khi trẻ biết ăn, các bà mẹ đang cho trẻ bú cũng cần bổ sung hằng ngày nhiều vitamin và khoáng chất để cho trẻ có đủ chất dinh dưỡng hơn trong sữa mẹ.
- Nếu trẻ mắc bệnh, cần được đi khám, không nên tự chữa theo những lời mách bảo của người không có chuyên môn, tránh gây ra những bội nhiễm nguy hiểm.
6. Rôm sẩy
Biểu hiện nhiều nốt nhỏ đỏ và cứng thành mảng phát ban hơi đỏ xuất hiện ở những đoạn cơ thể dễ bị nóng và có nhiều tuyến mồ hôi như cổ, mặt, nơi có nếp gấp như bẹn, khuỷu tay, nách và phía sau đầu gối.
Trẻ thường thấy ngứa ngáy nhất là khi nóng bức, mồ hôi ra nhiều.
Nguyên nhân của bệnh ngoài da này là do tuyến mồ hôi của bé bị bịt kín làm mồ hôi tắc nghẽn.
Cách chăm sóc
- Giữ nhiệt độ trong phòng đừng cao quá, hé mở cửa sổ để không khí lưu thông.
- Đừng mặc nhiều quần áo hay quấn nhiều tã cho trẻ.
- Cho trẻ uống nhiều nước, không nên ăn nhiều đồ ngọt.
- Tắm trẻ bằng nước ấm, nước khổ qua và thấm khô...
Sau đây là một số cách dự phòng đơn giản nhưng hiệu quả tại nhà, các mẹ có thể tham khảo.
Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây và rau củ
- Khi con bắt đầu ăn dặm, hãy cho trẻ ăn những thực phẩm nguyên chất hoặc các loại thực phẩm nguyên chất được nghiền nhuyễn bao gồm các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc.
- Đặc biệt chuối và măng tây là những rau củ tự nhiên rất giàu prebiotic, tốt cho sức đề kháng của trẻ.
Tăng sức đề kháng cho trẻ
- Tiêm vắc - xin
- Cho trẻ bú suốt 2 năm đầu đời
- Bổ sung HMO.
Để trẻ được chơi đùa ngoài trời
- Hãy khuyến khích trẻ chơi và khám phá thế giới bên ngoài, điều này có thể giúp bé tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, từ đó giúp hệ miễn dịch được tập luyện nhiều hơn và hoàn thiện hơn.
- Phụ huynh cần đảm bảo trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi chơi ngoài trời, sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn hay khi trẻ bị ốm.
Vệ sinh sạch sẽ
- Phải thường xuyên thay tã lau chui vệ sinh để tránh các bệnh ngoài da.
- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hằng ngày.
Bệnh ngoài da trẻ em khám ở đâu tốt
Như chia sẻ trong phần đầu bài viết này, phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ đi khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhất là những bác sĩ da liễu có kinh nghiệm khám và điều trị cho trẻ em.
Bên cạnh đó, các bệnh da liễu nói chung và bệnh da liễu trẻ em thì rất phù hợp để thăm khám, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa da liễu từ xa thông qua cuộc gọi Video có hình.