Bệnh tay - chân - miệng và bệnh thủy đậu đều là bệnh do virut gây ra nhưng chủng loại virut khác nhau. Bệnh thủy đậu hay gặp vào mùa đông - xuân, còn bệnh tay - chân - miệng hay gặp vào mùa hè. Tuy nhiên, hai bệnh này vẫn xảy ra rải rác quanh năm. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và có viêm long đường hô hấp. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm máu tìm chủng virut gây bệnh, kết hợp thăm khám lâm sàng. Nếu bệnh tay - chân - miệng sau sốt 1-2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa (đây là đặc điểm khác với ban thủy đậu có ngứa) thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Vì ban điển hình thường xuất hiện ở các vị trí tay, chân, miệng nên bệnh có tên bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, ban có thể xuất hiện ở mông. Một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.
Cho tới nay, chưa có thuốc đặc trị cho loại bệnh này nên phương pháp chủ yếu là chăm sóc dinh dưỡng và theo dõi diễn biến của bệnh. Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu sốt cao trên 380C. Tuyệt đối không được chọc vỡ các bọng nước trên da. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch súc họng. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay - chân - miệng nên biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa là hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi trẻ bị bệnh nên cho nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác. Trường hợp của bé, chị nên đưa đi khám tại cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đúng với giai đoạn bệnh.