Chăm sóc trẻ mắc hen khi trời rét
Trong thời tiết lạnh ẩm thất thường, các bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng, trong đó có bệnh hen. Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh cần được kiểm soát kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Yếu tố nguy cơ gây hen
Hen hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm. Bệnh hen dễ gặp ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn (10% so với 5%). Thế nhưng trên thực tế, việc chẩn đoán hen ở trẻ em thường bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này tất yếu đã hạn chế hiệu quả điều trị: trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.Có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc là căn nguyên chính gây bệnh hen có thể kể đến như:Di truyền, yếu tố gia đình: Yếu tố di truyền trong bệnh hen rất lớn. Người bị hen có thể do di truyền, trong gia đình cũng có người mắc các bệnh dị ứng như mề đay, mẩn ngứa, dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng theo mùa, đặc biệt là bố, mẹ hoặc cả hai có bệnh hen, thì tỷ lệ con cái mắc hen cũng cao.
Yếu tố cơ địa: Nhiều trường hợp trẻ bị bệnh hen là do cơ địa. Có khoảng từ 30-60% trẻ em bị chàm sữa sau này có thể bị hen suyễn. Các trẻ đã bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản co thắt, thể tạng tăng tiết dịch cũng nhiều khả năng bị mắc bệnh hen.
Tiếp xúc với dị nguyên: Các dị nguyên như bụi, lông chó, mèo, phấn hoa, khói bếp, khói thuốc, thời tiết thay đổi thất thường, lạnh (mùa lạnh thường hay tái phát bệnh hen ở người bệnh hen mạn tính). Việc dùng một số thuốc chữa bệnh (Đông y, Tây y) cũng có những tác dụng phụ gây kích phát cơn hen. Các vi sinh vật có trong không khí (vi khuẩn, virut, nấm mốc). Hiện nay, người ta cũng đề cập nhiều đến vai trò của nấm mốc, cũng có thể là một trong các yếu tố nguy cơ gây hen hoặc làm tái phát bệnh hen.
Sử dụng thực phẩm: Một số loại thực phẩm cũng được nhắc đến trong nguy cơ gây hen suyễn tái phát như: tôm, cua ốc, ếch...
Điều trị cho trẻ tại BV Nhi TW. Ảnh: TM
Phát hiện bệnh thế nào?
Để biết được trẻ mắc bệnh hen, chẩn đoán thường dễ dàng khi trẻ đang lên cơn: trẻ ho, có cảm giác nặng ngực, thở khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng,...). Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chẩn đoán cũng dễ dàng.
Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, hay khi ăn “trúng” một thức ăn nào đó,...). Nếu như khò khè, khó thở là những gợi ý khá điển hình, thì triệu chứng ho tái đi tái lại là triệu chứng khá đặc biệt nhưng lại thường bị bỏ sót, vì mọi người nghĩ trẻ dễ bị ho hắng thoáng qua… Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát liên tục 3 lần, ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng. Thật ra, có khi trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm (lắm khi nhiều đến mức làm trẻ không thể ngủ được) mà không hề có triệu chứng gợi ý nào khác và ban ngày trẻ lại hoàn toàn bình thường. Một số nhà chuyên môn thường gọi đây là “hen dạng ho” - một thể khá đặc biệt của bệnh và thường bị bỏ sót.
Làm thế nào để chẩn đoán khi trẻ không lên cơn hay khi trẻ có biểu hiện không điển hình?
Đo hô hấp ký là một nghiệm pháp không quá đắt tiền có thể giúp chẩn đoán hen khi nghi ngờ hen, khi bệnh nhân không lên cơn hoặc khi có biểu hiện không điển hình, không rõ ràng mà một số thầy thuốc gọi là “hen giấu mặt”. Tuy nhiên, đây là một nghiệm pháp gắng sức đòi hỏi bệnh nhân phải biết hợp tác nên thường khó thực hiện được cho trẻ dưới 6 tuổi.
Chăm sóc đúng cách để giảm triệu chứng
Điều cần nhất để phòng ngừa cơn hen cấp và giảm triệu chứng bệnh hen cho trẻ là cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen: không nuôi thú vật (chó, mèo,…) trong nhà, thường xuyên diệt gián. Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ. Không để những chất nặng mùi (chất tẩy rửa) trong nhà. Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhang khói.
Nơi ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.
Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành. Hàng ngày nên cho trẻ vui chơi ngoài trời, nơi thoáng khí.
Cần hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm dễ gây dị ứng làm khởi phát cơn hen như: hải sản, cua, ốc, thịt thú rừng…
Cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh hen hoặc nghi ngờ mắc hen cần được đưa đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cần nhận biết sớm các dấu hiệu cho biết một cơn hen đang đến: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trong trường hợp này nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ.
Thông thường việc điều trị hen cho trẻ thường được thực hiện tại nhà, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên khi việc dùng thuốc ít tác dụng hoặc trẻ mắc thêm chứng bệnh nào đó khiến cơn hen năng hơn thì cần đưa trẻ đi cấp cứu trong những trường hợp sau: Khi trẻ liên tục có cơn hen cấp, gây khó thở nặng nề. Trẻ đã dùng thuốc cắt cơn mà không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở, nói năng khó nhọc. Trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi hay đầu ngón tay - đây là dấu hiệu rất nguy kịch.
|