TS. Vũ Thu Hương chia sẻ góc nhìn khoa học về quan niệm "nuôi cho béo, chăm cho kín" đang khá phổ biến hiện nay trong các gia đình trẻ.
Đau đầu về cân nặng của con
Trong các diễn đàn của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, những lời than thở về cân nặng của con chiếm đa số các chủ đề. Vấn nạn nhồi nhét ăn uống cho trẻ cũng tràn lan khắp nơi, gây ra những hệ quả xấu cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Những hiện tượng thừa cân, béo phì, dậy thì sớm,... diễn ra phổ biến.
Hình ảnh trẻ em béo mũm mĩm, nặng nề, chậm chạp từng hoạt động không còn hiếm gặp trong khắp các khu dân cư từ nông thôn đến thành thị.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia giáo dục nhưng dường như không có nhiều tác động đến các bà mẹ. Họ vẫn lo lắng cho cân nặng của con cái, thường xuyên ép trẻ ăn bằng mọi cách.
Các bé được bố mẹ cầm bát chạy theo để đút ăn, vừa ăn vừa nghịch điện thoại di động. Có bé bị mẹ đè ngửa ra nhét thức ăn vào, vừa nhét vừa quát và đánh con liên tục. Tình trạng trẻ sợ ăn, biếng ăn do bị ép buộc khá phổ biến.
Việc này có thể nói là vô cùng xa lạ với các bà mẹ đến từ các nước có nền giáo dục phát triển. Ở các nước này, ăn uống không chỉ với mục đích đảm bảo sức khỏe mà còn là các bài học dạy trẻ nên người.
Tham khảo câu chuyện của 1 bà mẹ Mỹ dạy con. Khi cậu bé không chịu ăn, gạt thức ăn xuống đất, bà mẹ đã cho con ngừng ăn và yêu cầu con phải nhịn đói cả ngày.
Bữa cơm tối, người mẹ cố gắng nấu toàn các món con thích, cả nhà ngồi ăn hết sức ngon miệng. Tuy nhiên, đứa trẻ không được ăn mà phải nhịn đói đi ngủ. Từ đó, đứa trẻ không dám phá phách, gạt hay đẩy thức ăn nữa, ăn hết suất và giữ thái độ đúng mức trong khi ăn.
Những câu chuyện dạy con kiểu này khá phổ biến ở các nước có nền giáo dục phát triển. Vì thế, trẻ em ở đây luôn có thái độ đúng mực với mọi việc của bản thân.
Quá bao bọc trẻ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng
TS. Vũ Thu Hương
Tình trạng "chăm con cho kín" cũng không xảy ra tại các nước phát triển. Tại Đức, trẻ em vừa sinh xong được mặc ấm áp và đẩy ra đường phố. Nhiều em bé còn nguyên sáp, mắt nhắm nghiền nhưng mẹ vẫn đẩy xe cho con ra ngoài dù trời tuyết rơi.
Trẻ em ở đây cũng được yêu cầu phải được chơi cát từ 2 – 3 tiếng/ngày với mọi điều kiện thời tiết trừ khi có bão.
Các bạn chạy nhảy, chơi cát hết sức thoải mái từ khi còn rất nhỏ mà bố mẹ không sợ con bị bẩn, bị ngã. Các bố mẹ ngồi gần đó để trợ giúp con kịp thời nhưng không có những can thiệp thô bạo như yêu cầu con không được làm điều này, điều kia.
Chính điều này đã khiến cho trẻ em ở các nước này có sức đề kháng tốt với sự biến đổi thời tiết. Đồng thời, các bé cũng chủ động và nhanh nhẹn hơn rất nhiều.
Ở Hà Nội, một lớp học sinh mẫu giáo lớn ra công viên vui chơi khi trời lất phất mưa, rất nhiều người lớn nhìn thấy đã lớn tiếng mắng mỏ những cô giáo dắt trẻ vì sợ trẻ ốm. Có bác nặng lời với các cô, thậm chí còn mang máy điện thoại ra quay và "dọa" sẽ đưa lên facebook.
Điều này thể hiện quan niệm bao bọc và làm hộ trẻ mọi việc. Ở các nước có nền giáo dục tiến bộ, trẻ em được tiếp xúc với thế giới xung quanh rất sớm và thường được yêu cầu phải vượt qua các thử thách lớn bé nhằm phát triển thể chất và nâng cao bản lĩnh.
Ngoài ra, việc chiều chuộng con cái cũng hết sức phổ biến. Hình ảnh các ông bố, bà mẹ, thậm chí là ông bà tuổi đã cao, cầm hộ cặp sách cho những cậu bé, cô bé cao lớn, thậm chí là béo tốt đã quá quen thuộc với các cổng trường.
Hệ quả là, các bạn trẻ Việt Nam khi giao lưu với bạn bè Quốc tế thường cảm thấy tự ti vì kém hơn về các kĩ năng và trải nghiệm.
Nếu như lứa tuổi 13 – 15, các bạn nhỏ Quốc tế đã tự mình khám phá khắp nơi thì ở Việt Nam, các bạn vẫn bị bố mẹ quản lý chặt, đi đâu, làm gì cũng bị kiểm soát và theo dõi, thậm chí không được phép rời xa cha mẹ một bước. Điều này khiến kĩ năng của trẻ Việt Nam không nhiều, dễ va vấp và gặp vô vàn khó khăn khi ra đời.
"Cha mẹ là số phận của con cái", nếu các cha mẹ vẫn giữ quan niệm “Nuôi cho béo, chăm cho kín” khi nuôi dạy con, chắc chắn con bạn sẽ phải chịu đựng hậu quả của quan niệm sai lầm này trong tương lai" - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh. |