Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè: 7 điều mẹ cần làm ngay
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè là vấn đề thường gặp khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, mệt mỏi, thậm chí bỏ bú. Vậy hội mẹ bỉm chúng mình nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị ngạt mũi? Cùng Huggies tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả trong bài viết sau nhé!
Tham khảo: Cách trị sổ mũi cho bé sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là như thế nào?
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là tình trạng tắc nghẽn khoang mũi do dịch nhầy. Dịch này sẽ tăng tiết và làm hẹp đường thở khiến cho bé cảm thấy khó thở. Trẻ sơ sinh vốn chưa biết tự thở bằng miệng nên khi bị nghẹt mũi sẽ rất khó chịu. Lúc này, mẹ sẽ thấy trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, không muốn bú nữa.
Bố mẹ thường khó phát hiện trẻ nhỏ hơn 3 tuổi bị nghẹt mũi vì các triệu chứng không biểu hiện rõ ràng. Trẻ sơ sinh trên 5 tháng tuổi thường dễ bị cảm lạnh vì đây là lúc cơ thể của bé bắt đầu xây dựng khả năng miễn dịch với virus thông thường. Bên cạnh virus, còn một số nguyên nhân khác gây ra ngạt mũi ở trẻ sơ sinh.
Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Bệnh cảm lạnh, cảm cúm
Từ 6 tháng – 3 tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” của trẻ vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, dễ mắc bệnh do chưa đủ sức đề kháng. Vì vậy, các virus từ môi trường bên ngoài thường dễ xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ, gây nên bệnh cảm. Các loại virus thường gặp bao gồm cúm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus,…
Hít thở không khí khô thường xuyên
Việc hít thở thường xuyên không khí khô, có độ ẩm thấp rất dễ làm trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Nguyên nhân là do hệ hô hấp phản ứng lại với không khí khô bằng cách tăng tiết dịch. Lượng dịch nhầy tăng tiết gây bít tắc mũi và dẫn đến nghẹt mũi.
Tham khảo: Cách trị nấc cụt cho trẻ sơ sinh
Bị dị ứng
Một số trường hợp trẻ bị dị ứng với phấn hoa, bụi bặm, không khí ô nhiễm,…dẫn đến bị phù nề niêm mạc mũi, tăng tiết dịch nhầy và gây nghẹt mũi.
Trẻ hít phải mùi lạ
Tương tự như dị ứng, khứu giác trẻ sơ sinh khá nhạy cảm nên khi ngửi thấy một số mùi lạ như khói thuốc lá, nước hoa, nước xả vải,… sẽ kích thích quá trình phản ứng lại. Và một trong những phản ứng đó là tăng tiết dịch nhầy khiến trẻ sơ sinh bị ngạt mũi.
Viêm đường hô hấp trên
Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm đường hô hấp trên. Các tác nhân như vi khuẩn, virus, nước ối,… xâm nhập sẽ dẫn đến viêm mũi. Khi bị viêm mũi sẽ xảy ra một số triệu chứng trong đó có nghẹt mũi.
Dị vật trong mũi
Trẻ sơ sinh có thể đưa bất kỳ vật lạ vào trong khoang mũi. Nếu mẹ không phát hiện kịp thời thì tình trạng tắc mũi, nghẹt mũi và chảy máu mũi sẽ xảy ra và điều này rất nguy hiểm đối với bé. Do đó với trường hợp nguy hiểm này, mẹ cần kiểm tra và đưa bé tới bệnh viện để được hỗ trợ sớm nhất.
Một số triệu chứng đi kèm với nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể kèm theo một số triệu chứng sau đây:
- Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi.
- Ho khan, ho có đàm.
- Khó thở, thở khò khè.
- Chảy nước mắt.
- Chảy máu mũi.
- Sốt, lừ đừ, bỏ bú.
- Mẫn đỏ, mày đay, phù quanh cánh mũi hoặc toàn thân.
- Đôi khi có biểu hiện tím tái do khó thở. Đây là trường hợp nặng, mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bác sĩ.
Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi?
Dưới đây là một số phương pháp làm dịu hay cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng cho bé.
Dùng tăm bông làm sạch mũi của bé
Đầu tiên, mẹ nên làm sạch mũi của trẻ bằng cách dùng bông gòn sạch thấm chút nước ấm rồi chấm và lấy hết chất nhầy trong mũi.
Nhỏ mũi của trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý
Đây là cách trị nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh được áp dụng nhiều nhất vì khá đơn giản mà lại hiệu quả. Mẹ chỉ cần đặt bé nằm ngửa, sau đó nhỏ nước muối sinh lý vào mỗi bên lỗ mũi của trẻ. Mỗi lần chỉ nên nhỏ từ 1 đến 2 giọt. Tránh nhỏ quá nhiều sẽ khiến trẻ bị sặc.
Nước muối sinh lý NaCl 0,9% có tác dụng rất tốt, giúp loại bỏ dịch nhầy, làm sạch đường hô hấp trên và giúp trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng nước muối sinh lý vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ. Mẹ cũng không nên tự pha nước muối và nhỏ mũi cho trẻ nhé. Vì nước muối mẹ pha không đảm bảo đúng nồng độ và rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi của bé.
Hút mũi cho trẻ
Đây là cách làm sạch mũi và trị ngạt mũi cho trẻ sơ sinh được hội mẹ bỉm rất ưa chuộng. Hút mũi giúp loại bỏ dịch nhầy và làm sạch mũi cho bé. Trước khi hút mũi, các mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý để làm loãng dịch nhầy, sẽ dễ hút hơn.
Mẹ cần lưu ý là phải vệ sinh dụng cụ hút mũi một cách sạch sẽ. Vì dụng cụ bẩn sẽ gây ra viêm nhiễm đường hô hấp trên cho trẻ, khiển tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.
Lưu ý, không nên lạm dụng phương pháp hút mũi cho bé. Chỉ nên hút 2 đến 3 lần trong ngày. Bởi vì hút mũi quá nhiều lần có thể gây kích ứng niêm mạc mũi của trẻ dẫn đến tình trạng sung huyết niêm mạc rất nguy hiểm.
Tham khảo: Trẻ sơ sinh bị rôm sảy phải làm sao?
Massage mũi của trẻ
Động tác massage nhẹ bằng cách day cánh mũi sẽ giúp cho trẻ dễ thở và giảm bớt cảm giác khó chịu. Cụ thể, mẹ hãy dùng ngón tay vuốt dọc 2 bên sống mũi của trẻ một cách nhẹ nhàng. Động tác này nên được thực hiện sau khi bạn đã nhỏ nước muối sinh lý.
Kê cao đầu khi trẻ ngủ
Một mẹo nữa để giúp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi cảm thấy dễ chịu hơn là dùng một chiếc khăn mềm để nâng cao đầu cho bé trong lúc ngủ. Tư thế ngủ cao đầu sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy, giảm phù nề niêm mạc, từ đó, giúp trẻ giảm nghẹt mũi.
Tăng độ ẩm không khí trong phòng
Nếu không khí trong phòng quá khô, các mẹ hãy tăng độ ẩm. Đặc biệt là những tháng ngày khô nóng hoặc lạnh khô, thời gian có độ ẩm thấp. Hãy bổ sung một chiếc máy phun sương, máy tạo đổ ẩm trong phòng để giúp con thoải mái hơn nhé.
Vỗ nhẹ lưng
Vỗ nhẹ trên lưng sẽ giúp bé bớt tức ngực và dễ thở do chất nhầy trong ngực được làm lỏng. Có 2 cách thực hiện như sau:
- Cách 1: Đặt con nằm úp lên trên đầu gối và lấy tay nhẹ nhàng vỗ lưng.
- Cách 2: Vỗ tương tự như cách 1 nhưng đặt trẻ ngồi trên đùi và hướng ra phía trước khoảng 30°.
Tham khảo: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh
Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi đến bác sĩ?
Các cách trên sẽ giúp tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh được cải thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng sau, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay:
- Thường xuyên sốt cao.
- Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng.
- Trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh.
- Trẻ khó chịu ở tai, có nguy cơ nhiễm trùng.
- Phát ban.
- Nghẹt mũi cùng với sưng trán, mắt, mũi hoặc má.
- Nghẹt mũi hơn 2 tuần trở lên.
- Khó khăn khi ăn uống hoặc biếng ăn.
- Con quấy khóc hay có biểu hiện đau đớn.
- Cơ thể trở nên tím tái.