Vì sao trẻ bị nôn trớ và 4 mẹo hạn chế nôn trớ ở trẻ
Trẻ bị nôn trớ là hiện tượng mà các mẹ bỉm chúng ta thường gặp trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ hay nôn trớ? Mẹ phải làm gì khi trẻ bị nôn trớ nhiều và liên tục? Các mẹ hãy cùng Huggies tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
Hiện tượng nôn trớ ở trẻ
Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ rất hay gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dạ dày ở tư thế nằm ngang trong khi chế độ ăn chủ yếu là sữa ở dạng lỏng. Nôn trớ sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và thường sẽ hết lúc trẻ được 12 tháng tuổi. Điều này lý giải vì sao trẻ 1 tuổi hay bị nôn trớ hơn trẻ 2 hay 3 tuổi. Một số trường hợp nặng hoặc do bệnh lý cần xử trí thích hợp để phòng tránh mất nước-điện giải, biếng ăn, suy dinh dưỡng, khò khè,…
Vì sao trẻ bị nôn trớ?
Có hai nguyên nhân khiến trẻ hay nôn trớ:
Nôn trớ sinh lý:
Bé bị nôn trớ do dạ dày của bé nằm ngang, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện, cơ thắt tâm vị yếu. Bé sẽ tự động hết nôn trớ sinh lý khi được 12-18 tháng tuổi. Bé cũng có thể bị nôn trớ do rối loạn tiêu hóa, ho, khóc quấy kéo dài. Thực tế, nguyên nhân lớn khiến bé nôn trớ là do chế độ chăm sóc chưa đúng cách như:
- Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ép ăn quá ngưỡng.
- Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dày gây nôn trớ.
- Trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay, quấn tã hoặc băng rốn quá chặt.
- Trẻ ăn phải những thức ăn gây đầy hơi, chướng bụng.
Nôn trớ bệnh lý:
Một số nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ bị nôn trớ:
- Trẻ không dung nạp/ dị ứng đạm sữa bò (CMA): Hàm lượng cao chất đạm chưa được xử lý trong sữa bò có thể làm trẻ khó tiêu hóa. Nếu kèm theo các triệu chứng như đi phân lỏng (có thể lẫn máu), nôn, hay đau bụng, hoặc dấu hiệu dị ứng ngoài da, tăng cân chậm, cần đưa bé đi khám. Có thể cần thay thế sữa bò bằng công thức sữa đậu nành hoặc sữa có đạm thủy phân.
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có hoặc không kèm viêm thực quản: Trẻ nôn trớ nhiều và liên tục kèm ợ, xảy ra một thời gian lâu sau bữa ăn/ bú, da trẻ xanh tái. Sau khi ăn/bú, trẻ thường khóc, thậm chí khóc khi đang ăn/bú, kèm theo có tư thế uốn cong người để giảm đau lúc bú bình.
- Dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa: Hẹp phì đại môn vị là dị tật thường gặp, gây hẹp, tắc chỗ nối giữa dạ dày và ruột non. Các bé trai thường gặp tình trạng này nhiều hơn. Sau khi sinh, trẻ vẫn bú mẹ và đi tiêu bình thường, khoảng 3-4 tuần sau thì xuất hiện nôn trớ liên tục nhiều lần sau khi bú, nôn vọt thành tia, chất nôn là sữa cũ (đông vón) do đọng lâu trong dạ dày. Nôn kéo dài làm cho trẻ sụt cân nhanh, bụng xẹp, đi phân ít, tiểu ít mặc dù trẻ vẫn háu bú. Trẻ mắc bệnh này cần phải phẫu thuật.
- Nôn do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não, viêm ruột hoại tử,...Trẻ thường có biểu hiện nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc biệt như sốt hoặc không, chảy nước mũi và ho. Khi nhiễm bệnh cơ thể trẻ mệt mỏi, chán ăn, có thể sốt, khó thở… dẫn đến nôn trớ. Hay trẻ mắc các bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột khiến trẻ nôn trớ kèm theo những cơn đau bụng quằn quại, đi ngoài ra máu, bụng căng trướng,…
Bé bị nôn trớ phải làm sao?
Khi trẻ nôn trớ, mẹ phải lập tức nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc, rồi nhanh chóng lau sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay sau đó thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ ra ngoài. Tuyệt đối không được bế xốc trẻ lên khi trẻ đang nôn vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi, rất nguy hiểm cho trẻ.
Không quát mắng hay tỏ thái độ bực tức làm trẻ mất bình tĩnh, quấy khóc khiến trẻ bị nôn trớ nhiều hơn. Mẹ nên từ từ nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ để quên đi cơn khó chịu này, đồng thời vuốt ngực và lưng cho trẻ từ trên xuống.
Hãy dỗ bé ngủ, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Mẹ tuyệt đối không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Các mẹo hạn chế tình trạng nôn trớ sinh lý ở trẻ nhỏ
- Cho bé bú đúng cách: Khi cho bé bú, vì lượng sữa trong dạ dày còn ít khi mới bắt đầu bú nên mẹ hãy cho bé bú bên trái trước, sau đó mới chuyển bé sang bú bầu bên phải vì dạ dày bé đã nhiều sữa, bé cần nằm nghiêng trái. Với cách cho bú này, sữa sẽ dễ dàng xuống và lưu giữ trong dạ dày bé mà không trào ngược ra ngoài. Nếu cho bé bú bình, mẹ nên giữ để đầu núm luôn đầy sữa, tránh để bình sữa nằm nghiêng.
- Nới lỏng quần áo: Mặc quần áo chật hay bị quấn tã, bỉm quá chật cũng là nguyên nhân khiến bé nôn trớ vì thành bụng và dạ dày bị chèn ép, dễ dồn nén. Vì vậy, mẹ nên cho bé mặc càng thoáng càng tốt và nên nới lỏng hơn khu vực quanh bụng khi cho bé ăn hay bú.
- Giữ tư thế đúng sau khi bé bú hoặc ăn: Khi bú hay ăn xong, bé cần được bế cao đầu trong 15-20 phút và vỗ lưng cho ợ hơi, rồi mới nằm nghiêng bên trái trên gối hơi cao. Mẹ nhớ vỗ lưng bé cho tới khi có tiếng ợ lớn nhé. Đây là cách đẩy không khí trong dạ dày ra ngoài để tránh nôn trớ.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nếu bé bị nôn trớ do chế độ dinh dưỡng sai cách, mẹ cần chú ý không ép bé ăn vì sẽ làm bé sợ hãi và nôn trớ nhiều hơn, hãy tạo cho trẻ một niềm hứng thú khi ăn. Mẹ chỉ nên cho bé ăn vừa đủ, không để bé ăn quá no.
Khi nào cần đưa trẻ đi bệnh viện?
Trẻ bị nôn trớ có thể là dấu hiệu của bệnh lý, vì thế mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi nhận thấy các dấu hiệu đi kèm sau:
- Trẻ dưới 12 tuần tuổi và nôn nhiều hơn một lần.
- Có dấu hiệu mất nước, miệng khô, ít nước mắt, ít nước tiểu (thay ít hơn 6 tã lót/ ngày).
- Sốt cao, đau đầu, phát ban, cứng cổ, đau dạ dày.
- Chỗ nôn ói có máu hoặc mật.
- Liên tục nôn trớ hay đã nôn trớ liên tục trong 24 tiếng.
- Trẻ co giật, khó thở.
- Trướng bụng, tiêu chảy.
- Khó thức dậy, nhìn ốm yếu xanh xao.
- Trẻ nôn trớ xong lại rơi vào trạng thái lơ mơ hay bị kích thích tinh thần.
- Trẻ bị đau bụng quằn quại.
Lưu ý, chẳng may nếu trẻ bị mắc dị vật, các mẹ đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi ba hoặc mẹ và vỗ mạnh vào lưng trẻ. Dị vật sẽ cùng chất nôn được tống ra. Sau khi tống chất nôn ói ra được nếu bé còn mệt thì các mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Trên đây là những kinh nghiệm xử lý trẻ bị nôn trớ mà các mẹ bỉm chúng ta cần bổ sung vào “tủ kiến thức” của mình. Ngoài ra, các mẹ có thể tham khảo thêm thông tin khác tại chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia.