12 trò chơi cho bé 3 tuổi tại nhà phát triển trí tuệ tốt nhất
Học mà chơi, chơi mà học là một phương pháp hữu hiệu để cha mẹ đồng hành cùng bé trưởng thành trong giai đoạn 'khủng hoảng tuổi lên 3'.
Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý đối diện với giai đoạn phát triển "khủng hoảng tuổi lên 3" của bé nhưng khi nó tới cha mẹ vẫn bất ngờ trước sự thay đổi của con, thậm chí có cha mẹ còn stress khi thấy con bỗng dưng trở nên quá hiếu động hoặc bướng bỉnh, khóc lóc, ăn vạ...
"Học mà chơi, chơi mà học" là một phương pháp hữu hiệu để cha mẹ đồng hành cùng bé trưởng thành trong gia đoạn này. Cha mẹ có thể áp dụng các trò chơi tại nhà cho bé 3-4 tuổi dưới đây nhé!
1. Trò chơi đồ hàng
Cha mẹ hãy chuẩn bị bộ đồ chơi nấu bếp, bộ đồ chơi làm bác sĩ, hoặc những vật dụng có sẵn trong nhà như bát nhựa, thìa nhựa, cốc nhựa, nước sạch, rau xanh, búp bê....
Sau khi được cha mẹ hướng dẫn cách chơi, bé có thể tự khám phá, chơi trò chơi thông qua việc bắt chước các kỹ năng nấu nướng, thao tác khám bệnh của người lớn.
Trò chơi này giúp bé ghi nhớ các vật dụng, các kỹ năng sống và kích thích trí tưởng tượng.
2. Trò chơi phân loại
Cha mẹ trộn nhiều đôi tất lẫn vào nhau và yêu cầu bé chọn ra những chiếc tất cùng một đôi và cất riêng.
Cùng cách này có thể cho con phân loại quần áo của bố, mẹ và của mình.
Trò chơi này sẽ giúp bé rèn luyện khả năng quan sát và kỹ năng phân loại.
3. Trò chơi nhận biết âm thanh
Mở cho bé nghe một đoạn nhạc hoặc phim với những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống, sau đó yêu cầu bé nhắc lại có những âm thanh gì trong đó.
Trò chơi này sẽ làm tăng khả năng tập trung và ghi nhớ của bé.
4. Nhận biết màu sắc
Với bé bắt đầu học màu sắc, cha mẹ hãy dạy con mỗi ngày 1-2 màu riêng biệt. Sau đó, cha mẹ chuẩn bị một rổ đồ chơi có các màu sắc khác nhau. Chọn vài đồ vật đại diện cho từng màu, xếp chúng cạnh nhau. Sau đó nói bé tìm những màu tương tự trong rổ đồ chơi, đưa cho bạn.
Kết hợp với trò chơi này, cha mẹ nên cho trẻ nhận biết một số màu sắc đặc trưng của vật xung quanh, ví dụ quả cà chua màu đỏ, cây màu xanh lá...
Đây là trò chơi giúp bé nhận biết màu sắc và ghi nhớ chúng hiệu quả.
5. Trò chơi luyện tay khéo
Bắt đầu bằng việc dạy con cầm bút. Sau đó cha mẹ có thể cho con thực hiện vẽ bàn tay trên giấy.
Cha mẹ lấy một tờ giấy trắng, úp bàn tay của bé xuống, hướng dẫn tay kia cầm bút vẽ theo viền từng ngón tay trên giấy sao cho hình vẽ bàn tay thu được trên giấy đẹp nhất.
Ngoài trò tự vẽ bàn tay thì cha mẹ có thể mua cho con 1 cái kéo đồ chơi để chơi trò cắt dán giấy. Đây là trò chơi đòi hỏi các bé khéo tay, ghi nhớ màu sắc và tỉ mỉ, kiên nhẫn. Hãy dạy bé cắt dán những hình thù đơn giản trước như: ngôi nhà, hình tròn, lá cờ...
Một trò chơi khác cũng có hiệu quả luyện tay là nặn đất màu thành các hình khối. Nhiều cha mẹ sáng tạo hơn khi cho con thực hành nặn bột làm bánh.
6. Trò chơi vẽ tranh
Trò chơi này giúp phát triển khả năng ghi nhớ, trí tưởng tượng một cách đặc biệt.
Thông qua trò chơi vẽ tranh bé phân biệt được màu sắc, hình dạng, kích thước… của những vật đã từng nhìn thấy.
7. Trò chơi đếm số
Trò chơi đếm số chắc chắn kích thích trí thông minh và khả năng ghi nhớ của bé.
Ban đầu, mẹ cho bé tập đếm các vật dụng đơn giản trước như ngón tay hay bánh, chai lọ…. Sau đó, cha mẹ cũng tập cho bé đếm theo thứ tự các con số tăng dần và nâng cao câu hỏi kiểm tra trí nhớ cũng như kích thích trí não bé.
8. Trò chơi tìm điểm giống và khác
Khi cho bé chơi trò chơi tìm điểm giống và khác nhau giữa hai bức tranh, mẹ cần chú ý chọn những bức tranh đơn giản, phù hợp với lứa tuổi của bé. l
Trò chơi giúp bé học được sự nhanh mắt và tập trung, nhẫn nại.
9. Trò chơi xây dựng
Cha mẹ hãy chuẩn bị cho bé những hình khối rồi gợi ý bé xây dựng một căn nhà, một khu vui chơi…
Để thực hiện được trò chơi này bé cần phải có trí tưởng tượng cũng như sự khéo léo, kiên trì.
10. Tìm đồ vật cất giấu
Bạn hãy giấu những món đồ chơi mà bé yêu thích nhưng cố tình để bé thấy bạn để chỗ nào. Kế tiếp, khéo léo hỏi và ngỏ ý muốn bé tìm giúp.
Ban đầu, bạn giấu 1, 2 đồ vật sau đó tăng lên nhiều món đồ cùng lúc. Chắc chắn trí nhớ và sự nhanh nhạy của bé sẽ được nâng lên đáng kể khi được chơi trò chơi này.
Kết hợp với trò chơi này, cha mẹ có thể rèn cho bé thói quen cất đồ đúng chỗ.
11. Trò chơi nối câu
Cha mẹ hướng dẫn con cách chơi như sau: Bé sẽ đặt một câu hỏi bất kỳ và bố mẹ trả lời. Sau đó con phải dùng câu trả lời của bố mẹ để đặt ra câu hỏi tiếp theo.
Ví dụ con hỏi: “Con vật gì có cổ cao nhất?”. Bố mẹ trả lời “Con hươu cao cổ”. Con sẽ hỏi tiếp: “Con hươu cao cổ thích ăn gì?”. Bố mẹ lại trả lời: “Con hươu cao cổ thích ăn lá cây”… Cứ như vậy bé sẽ liên tiếp đặt câu hỏi.
Cha mẹ lưu ý chọn câu trả lời là những từ, cụm từ gợi mở để bé dễ dàng đặt ra câu hỏi tiếp theo. Nếu con chưa biết cách hỏi câu tiếp theo thì cha mẹ có thể gợi ý cho bé.
Thông qua trò chơi này, bé sẽ luyện được kỹ năng đặt câu hỏi và khả năng tư duy rất tốt.
Khi bé đặt câu hỏi sẽ kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy đồng thời giúp bé hào hứng và cố gắng nghĩ ra câu hỏi thật khó để bố mẹ không trả lời được.
12. Trò chơi đóng kịch với con rối
Chuẩn bị 2 đến 3 con rối hoặc đơn giản là búp bê, thú nhồi bông.
Cha mẹ cùng bé chơi trò đóng vai, mỗi người là một con rối và cùng đối thoại với nhau.
Cha mẹ và bé sẽ cùng chơi thông qua một tình huống hội thoại hoặc kể lại một câu chuyện.
Trò chơi này giúp phát triển khả năng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của bé.