12 trò chơi kích thích trí não dành cho bé 2 – 4 tuổi
Trò chơi như thế nào giúp trẻ phát triển tốt não bộ?
Các bé từ 1 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu tham gia trò chơi với bố mẹ. Đặc biệt từ 2 tuổi khả năng giao tiếp của bé đã tốt hơn nên có thể chơi nhiều trò chơi với độ phức tạp tăng dần. Những trò chơi mang lại cảm giác thích thú, gợi lên hình ảnh, kích thước, sự ghi nhớ và đặc biệt là kích thích sự hiếu kì khiến trẻ phải tư duy và đặt nhiều câu hỏi với bố mẹ. Điều này rất tốt cho sự phát triển của trí não.
Dưới đây là 15 trò chơi gợi ý mà bố mẹ có thể cùng chơi với bé:
1. Trò chơi đo đạc độ lớn nhỏ
(Độ tuổi phù hợp: 2 - 3 tuổi)
Bố mẹ chuẩn bị nhiều chiếc cốc nhựa màu sắc rực rỡ với các kích thước khác nhau. Yêu cầu bé sắp xếp những chiếc cốc nhỏ vào trong chiếc cốc lớn. Hoặc xếp cốc lớn chèn lên cốc nhỏ. Với trò chơi này trẻ sẽ học được các khái niệm về kích thước, phân biệt được lớn hơn và nhỏ hơn.
2. Trò chơi với nắp và nồi
(Độ tuổi phù hợp 2 – 3 tuổi)
Chuẩn bị nhiều bộ nồi có nắp với các kích thước khác nhau. Đặt riêng nồi và nắp rồi yêu cầu bé đậy nắp vào nồi sao cho khớp. Thông qua trò chơi này sẽ giúp bé nâng cao khả năng nhận định về kích thước và kỹ năng quan sát để chọn được nồi và nắp khớp nhau.
3 Trò chơi nối câu
(Độ tuổi phù hợp 3 – 6 tuổi)
Bố mẹ hướng dẫn con cách chơi như sau: Bé sẽ đặt một câu hỏi bất kỳ và bố mẹ trả lời. Sau đó con phải dùng câu trả lời của bố mẹ để đặt ra câu hỏi tiếp theo. Ví dụ con hỏi: “Con vật gì có cổ cao nhất?”. Bố mẹ trả lời “Con hươu cao cổ”. Con sẽ hỏi tiếp: “Con hươu cao cổ thích ăn gì?”. Bố mẹ lại trả lời: “Con hươu cao cổ thích ăn lá cây”… Cứ như vậy bé sẽ liên tiếp đặt câu hỏi. Bố mẹ lưu ý chọn câu trả lời là những từ, cụm từ gợi mở để bé dễ dàng đặt ra câu hỏi tiếp theo.
Ban đầu có thể bé sẽ nối câu không tốt, bố mẹ có thể gợi ý để giúp con tiếp tục đặt câu hỏi. Thông qua trò chơi này, bé sẽ luyện được kỹ năng đặt câu hỏi và khả năng tư duy rất tốt. Khi bé đặt câu hỏi sẽ kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy đồng thời giúp bé hào hứng và cố gắng nghĩ ra câu hỏi thật khó để bố mẹ không trả lời được.
4. Trò chơi phân biệt màu sắc
(Độ tuổi phù hợp: 2 – 3 tuổi)
Chuẩn bị nhiều hạt vòng với các màu sắc khác nhau hoặc dùng vải dạ nhiều màu cắt thành các miếng nhỏ. Trộn lẫn các màu sắc với nhau sau đó yêu cầu bé phân loại riêng các màu. Trò chơi này sẽ giúp bé nâng cao kỹ năng phân loại và nhận diện màu sắc. Trong quá trình chơi bố mẹ có thể dạy bé về các loại màu.
5. Trò chơi xây nhà
(Độ tuổi phù hợp: 3 – 4 tuổi)
Sử dụng bộ trò chơi với các hình khối và cùng bé sắp xếp các hình khối này để tạo thành ngôi nhà hay đường ray xe lửa, ô tô… Thông qua trò chơi bé sẽ rèn luyện được kỹ năng tạo dựng hình khối và khả năng tư duy hình học không gian.
6. Trò chơi đồ hàng
(Độ tuổi phù hợp: 2 – 4 tuổi)
Với trò chơi này bố mẹ cần chuẩn bị một bộ trò chơi đồ hàng cho bé như bộ đồ chơi nấu bếp, bộ đồ chơi làm bác sĩ… Trong quá trình chơi bé sẽ được kích thích khả năng tưởng tượng và bắt chước các kỹ năng nấu nướng, thao tác khám bệnh… của người lớn.
7. Trò chơi ghép đôi
(Độ tuổi phù hợp 2 – 3 tuổi)
Trộn nhiều đôi tất lẫn vào nhau và yêu cầu bé chọn ra những chiếc tất cùng một đôi và cất riêng. Trò chơi này sẽ giúp rèn luyện khả năng quan sát và kỹ năng phân loại cho bé.
8. Trò chơi rèn luyện trí nhớ
(Độ tuổi phù hợp 2 – 4 tuổi)
Đặt 3 món đồ vào khay, để bé quan sát kỹ sau đó dùng khăn phủ kín khay lại. Yêu cầu bé ghi nhớ và nhắc lại xem trong khay có những món đồ gì. Nâng dần số lượng đồ vật lên cho phù hợp với khả năng của bé. Trò chơi này sẽ rèn luyện trí nhớ cho bé rất hiệu quả.
9. Trò chơi tìm chữ
(Độ tuổi phù hợp 4 – 6 tuổi)
Chuẩn bị một bộ chữ cái bằng nhựa hoặc gỗ. Bố mẹ viết một chữ lên giấy hoặc bảng rồi yêu cầu bé tìm trong bộ chữ cái của mình chữ có hình dáng giống như vậy. Bằng trò chơi này bé sẽ nhận diện mặt chữ rất nhanh. Trong quá trình chơi mẹ có thể đồng thời dạy bé cách đọc từng chữ. Sau đó đổi lại bằng cách để bé tự chọn một chữ cái bất kỳ và đặt câu hỏi: “Đây là chữ gì”, mẹ quan sát và trả lời con bằng cách đọc to và rõ ràng chữ cái này.
10. Trò chơi với con rối
(Độ tuổi phù hợp 2 – 4 tuổi)
Chuẩn bị 2 đến 3 con rối. Bố mẹ cùng bé chơi trò đóng vai, mỗi người là một con rối và cùng đối thoại với nhau. Bé sẽ đặt ra các câu hỏi với con rối của bố và mẹ. Khi nhận câu hỏi, bố mẹ phải thay mặt con rối của mình trả lời câu hỏi và đối thoại cùng bé, hoặc đặt câu hỏi ngược lại. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cùng con dùng con rối để kể lại một câu chuyện yêu thích nào đó. Trò chơi này giúp phát triển khả năng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của bé.
11. Trò chơi ném bóng
(Độ tuổi thích hợp 3 – 4 tuổi)
Chuẩn bị một quả bóng bằng vải để đảm bảo an toàn. Bố mẹ đứng hoặc ngồi đối diện với con ở khoảng cách 1 mét, ném nhẹ quả bóng về phía bé để bé bắt bằng 2 tay sau đó ném lại cho bố mẹ. Trò chơi này không chỉ vui mà còn giúp bé vận động toàn thân. Thông qua vận động, não bộ cũng được kích thích phát triển.
12. Giả tiếng kêu của động vật
(Độ tuổi thích hợp 2 – 4 tuổi)
Bố mẹ để con đặt câu hỏi về tiếng kêu động vật, chẳng hạn: “Con gà kêu như thế nào?”. Bố mẹ trả lời bằng cách giả tiếng kêu của con gà “Ò ó o”. Tiếp đó bố mẹ đặt câu hỏi lại cho bé “Con mèo kêu như thế nào?”. Bé trả lời “meo meo”. Cứ như vậy luân phiên hỏi và trả lời. Nếu bé không trả lời được thì bố mẹ hãy gợi ý và nhắc câu trả lời cho bé nhé. Thông qua trò chơi này bé sẽ học được nhiều điều thú vị về thế giới tự nhiên xung quanh mình. Bằng cách đặt câu hỏi, bé cảm thấy thú vị hơn, kích thích não bộ tư duy để tìm ra những câu hỏi khó cho bố mẹ.