Bạn sẽ cảm thấy dạy dỗ con cái không khó như mình vẫn nghĩ, nhưng cần một sự thấu hiểu trẻ em sâu sắc.
1. Nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm cho con
Năm 1920, có một cậu bé người Mỹ, 11 tuổi, khi đá bóng không may làm vỡ cửa kính của nhà hàng xóm, và bị hàng xóm bắt đền 12,5 USD (khoảng gần 300.000 đồng). Cậu bé về nhà bảo với cha: "Cha ơi, con không có tiền để đền cho người ta. Làm sao bây giờ? Cha giúp con đi!"
"Vậy ta cho con mượn tiền, trong vòng 1 năm còn phải tìm cách hoàn trả lại cho ta", cha cậu cười nói.
Cậu bé nghe vậy đồng ý với cha và kể từ đó, cứ mỗi dịp cuối tuần hay vào dịp nghỉ lễ, cậu bé lại đi ra ngoài làm thêm. Sau nửa năm nỗ lực làm việc chăm chỉ, cuối cùng cậu cũng góp đủ 12,5 USD để trả lại cho cha mình. Cậu bé này chính là Ronald Reagan, người mà sau này đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách hồi ký của mình, ông viết: "Thông qua việc tự lao động để sửa chữa lỗi lầm, tôi đã hiểu thế nào là sống có trách nhiệm".
Thật vậy, các bậc cha mẹ nên dạy cho con biết cách tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, không nên việc gì cũng làm giúp con bởi như thế sẽ làm đứa trẻ hình thành tâm lý ỷ lại vào bố mẹ, gây bất lợi cho quá trình trưởng thành của con.
2. Kích thích chí tiến thủ vươn lên của con
Khi còn nhỏ Thomas Edison từng bị giáo viên chủ nhiệm của lớp ông coi là một học sinh "ngốc" nhất. Nhưng ngược lại mẹ ông lại cho rằng, người thầy mắng học sinh của mình trước mặt là "ngu ngốc" chính là đang tự nhận bản thân mình không có năng lực. Mẹ Edison đã đón Edison về nhà và tìm trăm phương nghìn kế để động viên, khích lệ ông học tập. Và sau này, ông đã trở thành nhà phát minh, nhà khoa học nổi tiếng nhất trên thế giới. Đứng sau thành công của ông không thể không kể đến phương pháp giáo dục thông minh, khéo léo của người mẹ.
Sự động viên và hiểu năng lực thật sự của con cái mình có một sức mạnh rất to lớn. Như vậy, trẻ sẽ không phải dè chừng trong sự áp đặt của người lớn, ngược lại còn thoải mái phát huy năng lực của chính mình. Sự kỳ vọng của cha mẹ có ảnh hưởng to lớn tới sự trưởng thành của con. Kết quả của một điều tra tâm lý học đã chứng minh, mức độ kỳ vọng của cha mẹ dành cho con càng cao, chỉ số thông minh và thành tích học tập của con cái họ cũng càng cao, và ngược lại.
3. Nắm bắt được năng khiếu, sở trường của con
Vào thế kỷ thứ 19, khi nhà toán học, nhà vật lý học nổi tiếng Maxwell còn rất nhỏ, có một lần cha ông bảo ông vẽ một lọ hoa. Lúc làm xong, Maxwell đem nộp cho cha, cha ông nhìn thấy bức vẽ cười phá lên, bởi tất cả những nét vẽ trên giấy đều là những sơ đồ hình học: Lọ hoa là hình thang, các bông hoa cúc được vẽ thành các hình tròn to nhỏ, còn lá thì được biểu thì bằng một số hình tam giác lạ lùng.
Người cha chu đáo lập tức phát hiện ra rằng, Maxwell vô cùng mẫn cảm và có hứng thú đối với toán học. Thế là ông bắt đầu dạy cho Maxwell về hình học, sau đó là đại số. Quả nhiên, không lâu sau Maxwell có biểu hiện tài năng hơn người đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực toán học.
Đại đa số những đứa trẻ, khi lên 5 hoặc 7 tuổi sẽ bắt đầu có sự mẫn cảm đặc biệt nhất và hiếu kỳ nhất với một lĩnh vực nào đó. Nếu cha mẹ có thể tinh ý nắm bắt được và thuận theo đó mà dẫn dắt, hướng dẫn trẻ thì sẽ mở ra một con đường thênh thang trong sự nghiệp của con sau này. Và cha mẹ nên nhớ, công việc chúng ta muốn trẻ em theo đuổi chưa phải là lĩnh vực mà trẻ mạnh nhất, nên thuận theo sự phát triển của trẻ mà hướng chúng đến nghề nghiệp thích hợp.
4. Rèn luyện cho con tính tự lập
Ở Đức, những bạn nhỏ từ 6 - 10 tuổi đã phải giúp đỡ cha mẹ rửa bát, quét nhà và mua đồ, từ 10~14 tuổi phải tham gia các loại công việc như sửa giầy, cắt tỉa cây cỏ. Còn tại Mỹ, những đứa trẻ hơn 1 tuổi cơ bản đều tự ăn, cha mẹ sẽ "buộc" con vào ghế tập ăn, và để thức ăn lên trên chiếc bàn nhỏ của chúng, để chúng tự dùng dao dĩa nhỏ cho thức ăn bỏ vào miệng. Thậm chí, ở Mỹ và các nước như Nhật, Anh còn có điều khoản quy định thời gian lao động của trẻ nhỏ, gia đình và nhà trường đều không được phép cướp đi quyền lợi này của trẻ.
Về cơ bản, ai trong chúng ta cũng phải tự lập trên con đường đời của mình, vì thế tập cho trẻ thói quen tự biết lo cho bản thân và thực hiện những nghĩa vụ cơ bản trong cuộc sống sẽ hình thành nền tảng nhân cách vững chắc từ khi còn nhỏ tuổi. Như vậy, trong tương lai chúng có thể mạnh mẽ và có trách nhiệm với bản thân hơn khi đương đầu với khó khăn.
5. Dạy dỗ con qua các bài thực hành trực quan, thực tế
Tại Thụy Điển trong lớp mẫu giáo bé hơn 2 tuổi, ngoài những từ đơn đầu tiên được học như "xin chào, cảm ơn", các bé đều được học tên của các loại cây và quả trong rừng. Vào mùa hè, mỗi tuần có 2 ngày, cô giáo sẽ đưa các bé đi vào rừng chơi hoặc làm các thí nghiệm nhỏ. Ví dụ, đào mấy cái lỗ dưới đất, lần lượt chôn túi nilon, giấy, thủy tinh, vỏ chuối... xuống đó, vài tuần sau lại đến đào chúng lên xem có sự thay đổi gì, từ đó giải thích cho trẻ đất có thể phân hủy và không thể phân hủy loại rác nào.
Ví dụ như đất không thể phân hủy thủy tinh, hơn nữa thủy tinh còn có thể làm tổn thương tới chân của con người và động vật, ánh mặt trời phản chiếu tích tụ lại sẽ dẫn tới hỏa hoạn. Môi trường ở Thụy Điển được xây dựng và bảo vệ tốt như vậy, điều này không thể tách rời với việc giáo dục tự thân cho trẻ từ khi chúng còn nhỏ.
Cách giáo dục này dựa trên suy nghĩ: chỉ có hành động thực tế mới là cách giáo dục tốt nhất. Trẻ có thể nắm giỏi lý thuyết nhưng nếu không qua rèn luyện trong cuộc sống thực tiễn, chúng sẽ không thể tích lũy được những trải nghiệm đáng quý và hiểu vấn đề một cách sâu sắc.